NGÀY 02-02-2017
02 Tháng Ha
NGƯỜI MẸ BỒNG CON
Một buổi trưa hè nóng bức. Những người hành khách trên chuyến xe đò lặng lẽ nhìn con đường độc điệu. Cái nắng chói chang và cuộc sống buồn tẻ như giam hãm mọi người trong một thứ thinh lặng nặng nề.
Nhưng ở một trạm dừng nào đó, mọi người bỗng ra khỏi sự thinh lặng của mình để đưa mắt nhìn về một người thiếu phụ trẻ vừa mới bước lên xe. Chuyến xe từ từ chuyển bánh trở lại. Người thiếu phụ bắt đầu cười và đùa giỡn với đứa con thơ dại chị đang bế trên tay. Cử chỉ của người thiếu phụ, tiếng cười hồn nhiên của đứa bé đã thu hút sự chú ý của mọi hành khách. Trong phút chốc một ngọn gió mát của hiếu kỳ của liên đới, của tham dự và của chính sức sống đã đem lại một bầu khí tươi mát cho mọi người. Mọi người như bừng tỉnh từ nỗi thinh lặng của oi bức, của ngái ngủ. Nơi đây, người ta nghe có tiếng người bắt đầu nói chuyện. Nơi kia có tiếng người cười. Sự đối thoại như một dòng điện chạy xuyên qua mọi người. Giờ thì chuyến đi không còn là một cuộc độc hành buồn tẻ nữa.
Trên chiếc xe già cỗi và buông tẻ của thế giới, một người đàn bà đã bước lên: Tình Yêu và Sự Sống đã bừng dậy. Người đàn bà đó chính là mẹ Maria. Thế giới bắt đầu đi vào một gia đoạn lịch sử mới kể từ giây phút ấy. Mẹ đã bước lên chiếc xe cằn cỗi của thế giới cùng với Chúa Giêsu để biến nó trở thành một cuộc hành trình vui tươi và đầy ý nghĩa.
Thiên Chúa đã không ngừng tạo dựng Mẹ Maria như biểu tượng cao vời nhất của người đàn bà, của người vợ, của người mẹ, Ngài còn muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Mẹ con đường lý tưởng, mẫu gương lý tưởng mà môic người phải noi theo để đạt đến cứu cánh vĩnh cửu.
Mẹ đã sinh ra như mọi người, Mẹ đã lớn lên như mọi người, Mẹ đã sống cuộc sống con người như mọi người, nghĩa là Mẹ cũng đã trải qua những tháng năm của buồn vui, của thử thách, của mất mát, cuộc hành trình đó là bởi vì lúc nào Mẹ cũng sống kết hiệp với Chúa và tin tưởng ở quyền năng Yêu thương của Ngài. Mang Chúa Giêsu đến cho trần thế, Mẹ đã biến cuộc hành trình buồn tẻ của thế giới thành một Ðại Lễ của gặp gỡ, của chia sẻ, của hân hoan và tin tưởng. Từ nay, tuyến đường mà nhân loại đang đi kết thúc bằng một điểm đến rõ rệt là chính Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Đền Thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người: bắt đầu với Lều Hội Ngộ khi con cái Israel vẫn còn lang thang suốt 40 năm trường trong sa mạc; sau khi ổn định trong Đất Hứa, vua Solomon đã xây dựng một Đền Thờ và di chuyển Hòm Bia vào nơi Cực Thánh, để con người đến cầu nguyện và dâng lễ hy sinh đền tội; khi Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy toàn bộ vào năm 70 AD, sự hiện diện của Thiên Chúa không chỉ còn giới hạn tại Jerusalem, nhưng lan tràn mọi nơi, bất cứ nơi nào có nhà thờ, nơi đó có Chúa Giêsu hiện diện với con người cho đến Ngày Tận Thế.
Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ để gặp gỡ dân Ngài. Trong bài đọc I, tiên-tri được coi như cuối cùng của Cựu Ước, Malachi, nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa thân hành hiện đến thăm viếng dân Người để thanh tẩy họ khỏi mọi tội lỗi; một sứ giả sẽ đi trước chuẩn bị đường cho Ngài. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Ngài sẽ mặc lấy xác phàm của con người để ở với con người, để con người có thể trông thấy Ngài bằng xương thịt. Ngài sẽ trải qua tất cả những đau khổ của kiếp người để cảm thông, để trợ giúp, và để xóa sạch tất cả tội lỗi của con người. Trong Phúc Âm Lucas, cụ già Simeon là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha mẹ mang Ngài đến để gặp gỡ dân Người. Simeon sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã được nhìn thấy ơn cứu độ bằng xương thịt như lời các tiên tri loan báo.
PHÚC ÂM: Lc 2, 22-32 {hoặc 22-40}
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
{Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.} Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
DÂNG CON CHO CHÚA MỖI NGÀY
Suy niệm: Tại nhiều nước đã thành luật: cha mẹ ngược đãi con cái sẽ bị luật pháp trừng phạt! Hợp lý thôi, thế nhưng, những cha mẹ không chăm lo giáo dục con cái sẽ phải chịu hình phạt nào? Còn những cha mẹ Công giáo chểnh mảng việc giáo dục đức tin cho con mình, Chúa xét xử thế nào? Khi dâng Chúa Giê-su vào Đền thờ hôm nay, Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se không coi đó như một nghi thức làm-một-lần-là-xong, nhưng việc dâng con ấy kéo dài mãi suốt đời đến tận dưới chân thập giá. Chúng ta cứ hình dung dưới mái nhà Na-da-rét, hai Đấng vẫn tiếp tục dâng hiến trẻ Giê-su cho Thiên Chúa, khi các ngài dạy trẻ Giê-su bập bẹ từng lời kinh, từng cử chỉ tôn giáo, khi chăm sóc từng lời ăn tiếng nói, dạy phép lịch sự, dạy các thói quen tốt cho trẻ Giê-su… để rồi theo thời gian, là bé Giê-su ngoan, rồi trẻ Giê-su tốt, và chàng trai Giê-su hiền hoà, hào hiệp, dễ mến, là trái ngọt từ một khởi điểm: dâng con cho Chúa ở Đền thờ.
Mời Bạn: nhớ đến hình ảnh đẹp của ngày rửa tội: cha mẹ bồng con cái đến dâng cho Chúa. Là bậc làm cha mẹ, bạn vẫn tiếp tục công cuộc dâng hiến con cái này trong đời sống hằng ngày chứ ? Hình như nhiều vị phụ huynh Công giáo cũng chạy theo trào lưu hiện nay: chỉ lo cho con cái có bằng cấp văn hóa, có của cải tiện nghi, có nghề nghiệp địa vị mà quên mất một điều quan trọng hơn: giáo dục đức tin và nhân bản cho con mình.
Sống Lời Chúa: Là cha mẹ, mỗi ngày tôi sẽ dành thời gian dạy kinh, đọc Lời Chúa, phép lịch sự… cho con cái mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia đình (tr. 58).
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM PHÚ CƯỜNG
Ngày Lễ Nến, hay Lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, theo truyền thống, các em nhỏ, con cái trong gia đình chúng ta cũng được đem đến để dâng hiến cho Chúa. Việc này lặp lại truyền thống cổ xưa của người Do Thái, như gia đình Nazareth xưa đã thực hiện, Dâng Chúa trong đền thờ, đồng thời cũng mời gọi các gia đình suy nghĩ về chính sự thánh hiến con cái chúng ta cho chương trình của Thiên Chúa.
Thánh Kinh thuật lại, khi Chúa được dâng trong đền thờ, thì ông Simeon và bà Anna đều nói tiên tri về Người. Lời tiên tri ấy dự báo về một tương lai bất trắc cho Maria, tâm hồn mẹ sẽ đau đớn như một lưỡi gươm đâm thấu. Còn Chúa Giêsu sẽ bị người đời chống báng.
Chúng ta dâng con cái chúng ta cho Chúa, nghĩa là thánh hiến con cái chúng ta cho Ngài. Vậy chúng ta ước mong gì?
Ơn Thánh Hiến là ơn đến từ Thiên Chúa. Ngài thánh hiến những ai Ngài tuyển chọn. Hiểu Thánh hiến theo nghĩa hẹp, nghĩa là những người sống ơn gọi tu trì để phục vụ cho Chúa với một sứ mạng nào đó. Còn mỗi chúng ta được hiến thánh theo nghĩa rộng hơn, đó là mỗi ngày tìm ra thánh ý Thiên Chúa để thi hành trong đời sống hằng ngày. Chúng ta thường cho rằng ơn gọi tận hiến, làm linh mục hay nữ tu mới cao quý. Không phải vậy, mỗi Kitô hữu căn bản được thánh hiến qua bí tích rửa tội để nên con cái Thiên Chúa. Thế nên ước mong mỗi ngày, chúng ta đều làm sáng danh Chúa qua chính cuộc đời chúng ta, nơi chúng ta sống và làm việc, nơi mà chúng ta có thể biết chúng ta phải làm gì để sống ơn gọi đó. Một người cha mẫu mực, một người mẹ dịu hiền, một người con ngoan ngoãn, một công nhân trong xí nghiệp chăm chỉ, một người nông dân thật thà, siêng năng cày cấy… mỗi ngày chúng ta thánh hoá cuộc sống chúng ta và Thiên Chúa sẽ hiến thánh cuộc đời chúng ta nên lễ vật tươi đẹp cho Ngài.
Kitô hữu không chỉ là người sống tốt, mà là người biết hoàn thiện mình như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.
Lạy Chúa, hôm nay xin hãy thánh hiến chúng con. Để mỗi ngày chúng con biết sống đẹp lòng Chúa luôn. Amen.
Thánh Kinh thuật lại, khi Chúa được dâng trong đền thờ, thì ông Simeon và bà Anna đều nói tiên tri về Người. Lời tiên tri ấy dự báo về một tương lai bất trắc cho Maria, tâm hồn mẹ sẽ đau đớn như một lưỡi gươm đâm thấu. Còn Chúa Giêsu sẽ bị người đời chống báng.
Chúng ta dâng con cái chúng ta cho Chúa, nghĩa là thánh hiến con cái chúng ta cho Ngài. Vậy chúng ta ước mong gì?
Ơn Thánh Hiến là ơn đến từ Thiên Chúa. Ngài thánh hiến những ai Ngài tuyển chọn. Hiểu Thánh hiến theo nghĩa hẹp, nghĩa là những người sống ơn gọi tu trì để phục vụ cho Chúa với một sứ mạng nào đó. Còn mỗi chúng ta được hiến thánh theo nghĩa rộng hơn, đó là mỗi ngày tìm ra thánh ý Thiên Chúa để thi hành trong đời sống hằng ngày. Chúng ta thường cho rằng ơn gọi tận hiến, làm linh mục hay nữ tu mới cao quý. Không phải vậy, mỗi Kitô hữu căn bản được thánh hiến qua bí tích rửa tội để nên con cái Thiên Chúa. Thế nên ước mong mỗi ngày, chúng ta đều làm sáng danh Chúa qua chính cuộc đời chúng ta, nơi chúng ta sống và làm việc, nơi mà chúng ta có thể biết chúng ta phải làm gì để sống ơn gọi đó. Một người cha mẫu mực, một người mẹ dịu hiền, một người con ngoan ngoãn, một công nhân trong xí nghiệp chăm chỉ, một người nông dân thật thà, siêng năng cày cấy… mỗi ngày chúng ta thánh hoá cuộc sống chúng ta và Thiên Chúa sẽ hiến thánh cuộc đời chúng ta nên lễ vật tươi đẹp cho Ngài.
Kitô hữu không chỉ là người sống tốt, mà là người biết hoàn thiện mình như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.
Lạy Chúa, hôm nay xin hãy thánh hiến chúng con. Để mỗi ngày chúng con biết sống đẹp lòng Chúa luôn. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét