Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRONG CHÚA

13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh
Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.
Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.
Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.


(Lẽ Sống)

NGÀY 13- 2-2017

thứ hai tuần vi thường niên a

 Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô 
(Mc 8: 11-13)

 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả." Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

Cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không mắc nợ gì với con người; trái lại, con người mắc nợ mọi sự với Thiên Chúa. Khi con người tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người không thêm điều gì cho Ngài; nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa sẽ giúp con người đạt tới cuộc sống đời đời. Cũng thế, khi con người làm việc thờ phượng như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, dâng lễ vật, con người chẳng thêm gì cho Thiên Chúa; nhưng con người sẽ nhận được những lợi ích từ các việc làm này.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy những quan niệm sai của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi Cain dâng lễ vật cho Thiên Chúa và không được Ngài đóai nhìn tới; ông tức giận với Thiên Chúa và ghen tị với em mình là Abel, vì Ngài đóai nhìn lễ vật của em ông. Hậu quả là ông đã giết đứa em ruột của mình. Trong Phúc Âm, các kinh-sư thách thức Chúa Giêsu hãy làm phép lạ để họ có thể tin Ngài là Thiên Chúa; Chúa Giêsu thở dài vì thái độ thách thức của họ. Ngài từ chối không làm bất cứ phép lạ nào cho họ.
 Chúa Giê-su đã từng làm biết bao nhiêu điềm thiêng dấu lạ làm bằng chứng cho thấy thời đại Thiên sai đang tới (x. Mt 11,2-6). Thế nhưng khi những người Pha-ri-sêu đòi hỏi Chúa làm cho họ dấu lạ, không phải vì họ chưa thấy hay vì họ khao khát muốn thấy uy quyền của Thiên Chúa; trái lại, vì tấm lòng chai đá, họ đã không chấp nhận những việc lạ lùng Chúa đã thực hiện giữa họ. Chính vì thế, trong khi những người nghèo khó khiêm tốn thấy và tin dấu lạ Chúa làm, lòng họ đầy hân hoan ca tụng Thiên Chúa, thì những người xin dấu lạ này, do lòng dạ kiêu căng, trở nên kẻ mù lòa đáng thương vì như thể mầu nhiệm Nước Thiên Chúa bị che khuất mắt họ.
Mời Bạn: Thiên Chúa đã, đang, và sẽ còn dùng những dấu chỉ trong thiên nhiên, và trong lịch sử để bày tỏ quyền năng và tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Trong cuộc sống Giáo Hội của Chúa Ki-tô, Lời Chúa và các bí tích là những “dấu chỉ” đơn sơ để mọi người có thể gặp gỡ và kết hiệp với Ngài. Vấn đề là chúng ta có đủ khiêm tốn và mau mắn để tin và tiếp nhận hay không.
Sống Lời Chúa: Coi trọng và tìm gặp Chúa qua việc đọc các “dấu chỉ” của Ngài, cách riêng qua việc siêng năng đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ hãi ánh sáng của Chúa, ánh sáng… đòi buộc con hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.” (Thắp sáng niềm tin, tr. 170)                   (5 Phút Lời Chúa)

SUY NIỆM

 Khi đòi xin Chúa làm dấu lạ, chắc hẳn những người Biệt phái muốn Chúa Giêsu minh chứng về Người bằng việc làm, vì việc làm minh chứng con người là ai. Nhưng tại sao những người Biệt phái muốn Chúa Giêsu minh chứng về Người? Bởi vì, trong Cựu ước, để minh chứng là tiên tri, thì Môsê đã xin được manna từ trời xuống cho dân; ông Giôsuê đã từng làm cho mặt trời đứng lại; ông Isai đã làm cho thời gian như lùi lại; v.v. mà các ông này đều là những tiên tri của Thiên Chúa. Cho nên, những người Biệt phái nghĩ rằng nếu Chúa Giêsu tự xưng mình là cao trọng hơn các tiên tri, thì ít ra cũng phải làm được dấu lạ nào đó.

Thật ra, những người Biệt phái đã từng chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm như trừ quỉ, chữa bệnh cùi, cho kẻ chết sống lại. Thế nhưng, với những sự kiện lạ này, họ lại cho là Chúa Giêsu dùng quyền tướng quỉ Beezeebuth để làm. Qua đó, chúng ta có thể thấy được điều họ đòi hỏi là muốn để tấn công, thách thức, để xem Chúa có chiều theo tham vọng của họ không. Đây là thái độ thử thách Chúa mà thôi.

Trước thái độ như thế, Chúa Giêsu đã không theo như ý họ. Không cho là bởi vì không tin, không biết ơn huệ là gì. Chính Chúa đã xác nhận là “đức tin của con cứu con” (Mt 9,22). Bao nhiêu lần Chúa làm phép lạ cũng chỉ vì lòng tin.

Nhìn vào thực tế của cuộc sống, chúng ta có tin nhau mới có thể đối thoại với nhau, trao đổi công việc cho nhau; rồi có tin nhau, chúng ta mới sống được với nhau. Cho nên, đối với Chúa là Đấng sáng tạo nên lòng tin, Ngài càng cần điểm đó. Ngài cần đến nỗi chỉ cần biểu lộ lòng tin vào Ngài là được đón nhận “phép lạ”.

Nếu con người chỉ tin vào Chúa và xem Chúa như một người thường thôi, hay cùng lắm như một vị thầy, thì cuộc vượt qua của Người không ảnh hưởng gì đến con người được vì nếu họ tin vào Chúa như thế, thì có hơn gì tin một người bạn hay tin vào bậc thầy.

Đối với Chúa, hầu như mọi vấn đề được giải quyết theo mức độ lòng tin. Điều này, chúng ta biết được qua các trình thuật Tin Mừng.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta đây là một môn sinh của Đức Kitô, nhưng niềm tin của chúng ta đang ở mức độ nào? Chúng ta có luôn tin tưởng vào Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời chưa? Cuộc sống hằng ngày của mỗi người có diễn tả được niềm tin của mình vào Chúa không? 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét