17 Tháng Hai
Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ
Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.
Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiềuTIỆN NGHI
lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.
Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.
Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.
Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.
Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.
(Lẽ Sống)
![](https://giaophanphucuong.org/Document/Images/LoiChua/suy%20niem%20hang%20ngay/cross%20(2).jpg)
BÀI ĐỌC I: St 11, 1-9
Trích sách Sáng Thế.
Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: "Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung". Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: "Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu".
Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: "Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia". Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là "Babel", vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Mc 8, 34-39 (Hl 8, 34 - 9, 1)
"Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình".
Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh".
Và Ngài nói với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng". Đó là lời Chúa. (thanhlinh.net)
Suy niệm: “Được ăn cả, ngã về không” là lẽ thường trong cuộc sống; ban nhạc Abba lừng danh cũng có một bài hát với tựa đề: “The winner takes it all” – Người chiến thắng được tất cả (1980). Tuy nhiên, người môn đệ Đức Giê-su thì không chịu “lép một bề” như vậy, bởi vì theo Đức Giê-su: mất để được, và muốn được, phải chịu mất! Thoạt nghe có vẻ chói tai, thế nhưng, ngẫm nghĩ kỹ, lại không nghịch lý chút nào. Người môn đệ Chúa sẵn sàng chịu mất của cải dễ mục nát để được tài sản không hư hoại, mất sự sống mong manh để được sự sống vĩnh cửu, mất lạc thú mau qua để được niềm vui bất diệt, mất cái tôi hẹp hòi để được Đấng vô cùng. Càng dám mất nhiều lại càng đạt được nhiều hơn, đó chẳng phải là cách ứng xử khôn ngoan, nhìn xa thấy rộng hay sao?
Mời Bạn: Nhớ rằng khi theo Chúa phải chấp nhận thua để thắng, mất để được, miễn là thua, mất vì Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người. Phải là người “ghiền” Đức Ki-tô, say mê yêu mến Người với tất cả con tim, bạn mới dám mạnh dạn xác tín như vậy.
Chia sẻ: Tôi có can đảm chấp nhận “mất để được” như Chúa dạy không ?
Sống Lời Chúa: Tập chịu mất một thú vui không lành mạnh để được Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con thấy đi theo làm môn đệ Chúa không thể là chuyện nửa vời. Xin cho chúng con vui lòng chịu mất tất cả, nhất là mất cái tôi ích kỷ, để chúng con có được niềm vui, an bình thật sự khi sống trọn vẹn cho Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Mùa Chay: Tiếng Gọi Ăn Chay Và Cầu Nguyện
“Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo” (Ge 2, 13). Giáo Hội công bố mùa Chay bằng những lời kêu gọi ấy của ngôn sứ Giô-en. Vào thời ngôn sứ Giô-en, tiếng gọi ăn chay đã phải được kết hợp với lời cảnh giác: “Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo!”
Cũng thế, Đức Giêsu đã phải cảnh giác vào thời của Người: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Khi anh em cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Khi anh em ăn chay, chớ làm ra bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 1. 2. 5. 16).
Trong quá khứ, khi Giáo Hội công bố mùa Chay, Giáo Hội đã phải cảnh giác mọi người nên tránh thói ‘biểu diễn’ thuần túy, tránh giả hình trong việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Còn hiện nay, điều đáng báo động hàng đầu không hẳn là thói ‘biểu diễn’ ấy. Mối nguy thực sự hiện nay là ở chỗ tiếng gọi mùa Chay bị người ta bỏ hẳn ngoài tai. Đối với rất nhiều người hôm nay, tiếng gọi mùa Chay chỉ là “một tiếng kêu trong sa mạc” (Mc 1, 3). Họ không hưởng ứng tiếng gọi ấy.
Lời Chúa Trong Gia Đình
Lời Suy Niệm: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”
Trong Kinh Thánh đã có những gương từ bỏ chính mình, như là Tổ phụ Ápraham: Đức Chúa phán với Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, bỏ họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Như Môsê (Xh chương 3). Như Đức Mẹ Maria: (Lc 1,26-38) Như Thánh Giuse: (Mt 1,18-25). Gương các Thánh trong Giáo Hội. Đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam gương 117 Thánh Tử Đạo.
Lạy Chúa Giêsu. Từ bỏ chính mình là một điều rất khó với chúng con. Nhưng chúng con tin những gì Chúa muốn chúng con thực hiện, thì Chúa đã sắm sẵn ân sủng dư đầy cho chúng con, để chúng con thực hiện tốt. Xin cho chúng con biết đón nhận ơn ban của Chúa; để sống vâng theo thánh ý Chúa.
Mạnh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét