Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

KHI YÊU TRÁI ẤU CŨNG TRÒN


09 Tháng Hai
Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.
Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: "Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó".
Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.
Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.
Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ.
(Lẽ Sống)


Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó". Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, vì sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: "Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra". Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.
Lúc ấy cả hai người, tức Ađam và vợ ông, đều khoả thân mà không hề xấu hổ. Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mc 7, 24-30
"Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: "Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó". Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: "Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái". Người liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi". Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
SỨC MẠNH TÌNH YÊU
Suy niệm: Thật khó mà hiểu tại sao người đàn bà Hy-lạp này có thể chịu đựng được câu nói của Chúa nghe như thể xúc phạm đến bà, nếu không biết rằng bà đến gặp Chúa với mục đích xin Chúa cứu lấy đứa con bị quỷ ám của bà. Tình yêu đối với con của bà lớn hơn thử thách trong câu nói bà nghe và bà biết rõ chỉ nơi Chúa Giê-su bà và con gái của bà mới tìm được ơn lành. Có những người mẹ ngày nay sống như thế. Chị Nguyễn Thị Yên ở thôn Đông Lao, ngoại thành Hà Nội, tuy bị ung thư giai đoạn cuối, đã khước từ phác đồ điều trị để sinh con, chấp nhận khả năng tử vong. Tương tự, thánh Gianna cũng từ chối chữa trị ung thư để cứu lấy sinh mạng của người con trong bào thai. Tất cả họ đặt niềm tin vào Chúa cách tuyệt đối, tin rằng Chúa luôn dủ lòng xót thương, xin Chúa thương đến con của họ. Tình yêu dành cho con cái khiến họ bất chấp mọi nghi nan và càng gia tăng lòng tín thác vào Chúa hơn.
Mời Bạn: Tình thương của bạn dành cho người thân trong gia đình thế nào? Có thúc đẩy bạn đến một hành động tín thác vào Chúa không?
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa lời nguyện cầu cho một người thân trong gia đình đang cần đến ơn Chúa.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, Chúa không quản ngại tự hủy chính mình trên thánh giá. Xin cho con theo gương Chúa, biết chấp nhận mọi khốn khó và kiên trì cầu nguyện cho người thân của con được ơn Chúa.

Lời Chúa Mỗi Ngày
Người tị nạn Việt_Nam bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu: nên theo kiểu Âu Tây, mà 5 thứ tự liên hệ được sắp xếp ưu tiên như sau: “đàn bà trước tiên, con nít, chó, cỏ, đàn ông;” hay theo kiểu Việt-Nam: “chồng chúa vợ tôi?” Điều quan trọng không phải việc phải đòi cho được sự ngang hàng, nhưng làm sao cho cuộc đời cả hai và gia đình được hạnh phúc. Cả hai kiểu mẫu trên đều dẫn tới những xáo trộn trong cuộc sống gia đình: Theo kiểu Âu Tây, đàn ông được xếp hạng sau cả con nít, chó, và cỏ, hỏi còn tư cách gì để hướng dẫn gia đình; và điều này hòan tòan trái ngược với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Theo kiểu Việt-Nam, người vợ chỉ được coi như người tớ nữ của chồng, và hậu quả là người vợ bị quên lãng và đối xử rất tàn tệ; điều này cũng đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Êphêsô đã đưa ra một kiểu mẫu Thánh Kinh: “Người vợ hãy vâng lời chồng như Giáo-Hội vâng lời Đức Kitô; và người chồng hãy yêu thương vợ như chính bản thân mình, và như Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh mạng sống mình cho Giáo-Hội.”

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò người phụ nữ. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký trình bày việc tạo dựng người nữ và ý định của Thiên Chúa từ ban đầu là cho Bà trở nên người trợ giúp của người nam. Trong Phúc Âm, người phụ nữ xứ Phoenician kiên nhẫn vượt qua bức tường Dân Ngọai và tự ái, để xin Chúa Giêsu chữa lành con gái mình.
CHÚ GIẢI TIN MỪNG

NGÀY 09 THÁNG 02

THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN A





Noel Quession - Chú Giải
Bài đọc I: NĂM LẺ: St 2,18-26.

Trong sách hôm nay, luôn dưới những hình ảnh khéo léo gợi cho chúng ta ca một "sự khôn ngoan" về lứa đôi và phái tính.
Đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó.

Quả quyết này cho thấy mọi nền triết học và xã hội học sẽ không hề đào sâu cho hết "con người" là một hữu thể có những liên hệ?... Chính nhân cách của họ chỉ được xây dựng từ "tha nhân" từ " xã hội" từ nhóm hội, từ môi trường từ bộ tộc, từ gia đình. Thực tế không thể sống đơn độc cô đơn là nỗi khổ. Và lứa đôi trước hết phải là nơi hiệp thông đối thoại.. nơi đầu tiên người ta gặp "tha nhân " khác với mình. Nhưng tha nhân, kẻ đối mặt này khác với mình vẫn giống mình , trong mọt sự bình đẳng cốt yếu.

Ađam đặt tên cho mọi súc vật.

Cử chỉ chiếm hữu, thống trị, tầm quan trọng của ngôn ngữ bước phác thảo của khoa học là phân tích, đo lường, so sánh và đặt tên cho mọi sự.

Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống mình.

Đừng mắc mưu vì vẻ thơ ngây của điều nhà khôn ngoan kể cho chúng ta. Giữa một thế giới không ngừng hạ giá "phụ nữ", "ông mạnh mẽ quả quyết rằng phụ nữ, khác biệt, vẫn bình đẳng với đàn ông.

Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn lấy từ Ađam trở thành ngươi đàn bà rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi.. Người này sẽ được gọi là người nữ (tiếng Do Thái là Ishshah).

Lại một "trò chơi chữ" một cách đố chữ cần cảm thấu được sự tinh tế Người nam gọi là "Ish" và người nữ gọi là Ishsha.. giản dị là hình thức giống cái của từ ngữ người! Điều đó nhất mạnh sự giống nhau của hai thực thể bổ túc cho nhau.

Và chúng ta có đoán biết được cái nháy mắt khác của bản văn này không? Con người đã được rút ra từ "đất", đó là một kẻ vụng về! Người nữ tế nhị hơn, nàng như là cái tinh tế của xác thân con người. Tóm lại, một loại siêu vượt về chất liệu đã dùng để tạo nên họ: Và cứ thế ta hãy tiến xa hơn. Sự thù hút của phái tính mạnh mẽ, huyền nhiệm, được nhà khôn ngoan trình bày như là ước muốn hiệp nhất của kẻ có chung một nguồn gốc.

Vì thế đàn ông sẽ lìa bỏ cha mình mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một nhân thể.

Nên một!

Đó là nguyện vọng của một tình yêu. Làm nên một, nêu đúng vậy, thật khó biết bao, nhà khôn ngoan như muốn nói với chúng ta như thế. Nhưng điều đó có thể được, vì các bạn xuất hiện bởi nhau, và các bạn được hình thành để "nên một".

Đời sống phái tính, không hề là điều cấm kỵ, một điều ô nhục, ở đây được trình bày như sự tạo dựng của Chúa. Sự thu hút của người nam đối với người nữ, và của người nữ đối với người nam là bởi Chúa muốn. Đời sống hôn nhân là một thực tại mạnh mẽ tự nhiên đến nỗi phá nên mối liên hệ ban đầu của con cái đối với cha mẹ, để lập nên mối liên hệ khác quan trọng hơn những liên hệ họ hàng "người đàn ông sẽ lìa cha mẹ".

Chúa Giêsu rút ra kết luận là tình yêu phải trung tín. "Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly".

Ađam và vợ ông đều khỏa thân mà không hề xấu hổ.

Tinh khiết, sự thiện hảo tận gốc của phái tính. Bài học cốt yếu hôm nay cũng như hôm qua đều phải học.

Bài đọc II: NĂM CHẴN: 1V 11,4-13

Khi Salômon đã về già, thì các bà vợ ông đã dụ dỗ ông hường về các thần ngoại.

Vào thời đại ấy, có nhiều vợ là dấu chỉ giàu sang và tiếng tăm lừng lẫy, trước khi trở thành nhột thói tục phóng đãng.

Thực ra, đây là sự sùng bái ngẫu tượng đáng khiển trách.

Vào thời ấy người phụ nữ tự cho mình là nơi bí ẩn của các sức mạnh vô địch, và sẵn sàng dùng ma thuật chế ngự các thế lực đó nhằm điều khiển sự sinh sản hay san sẻ. Vì thế, các tì thiếp của Salôrnon vẫn tiếp xúc với các việc cúng tế của thị tộc và dân tộc họ.

Astarthê, nữ thần của dân Siđon - Miloom, bụt ghê tởm của dân Anmon... Camooch, Chúa của Moah..Các bà vợ ngoạn bang của Salômon cúng lễ cho các thần của họ. Yavê đã thịnh nộ với Salômon.

Sức sinh nở sự non trẻ - chống thụ thai - Điều hòa sinh sản. Đó là một đề tài suy tư rất hiện thực, và là một vấn đề còn tái xuất hiện luôn. Cũng như vào thời của Salômon, chính trong các thái độ rất cụ thể, dù có khác nhau đi nữa, thì cũng ảnh hưởng đến lòng trưởng thành của ta đối với Thiên Chúa. Tình dục vẫn luôn là một điểm khiến người ta coi thường phẩm giá con người. "Milcom " được nổi danh là một vị thần ghê tởm vì trong thể cúng thần người sát tế trẻ thơ và bắt chúng băng qua lửa.

Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi các ngẫu tượng của chúng con. Xin cứu nhân loại khỏi các vị thần ghê tởm.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn tiến bộ xét về phương diện nhân loại. Xin làm cho khoa học, sự khôn ngoan loài người luôn tiến triển để con người không còn cần cậy nhờ vào ma thuật nào nữa.

Bởi người đã xử như thế... Và đã không tuân giữ giao ước Ta và các luật điều Ta truyền dạy ngươi.

Các thái độ của con người không dửng dửng. Chúng cũng liên hệ tới Thiên Chúa. Người ta không thể làm bất cứ chuyện gì. Nguyên việc xác định "điều lành, điều dữ" cũng không phải luôn dễ dàng, còn cần phải "tìm điều tốt nhất".

Chúng ta biết rằng các quy tắc luân lý có nhiều nghĩa và chúng cũng biến đổi qua các thời đại. Nhưng điều ấy không miễn trước cho ta tìm kiếm "điều lành" có tính cách xây dựng…và xa lánh "sự dữ" tính cách phá hoại.

Vả lại, theo Đức Giêsu, thì sự lành sự dữ lẫn lộn nhau rắc rối. Ngay nơi chúng ta, trong chính cách cư xử cũng như trong các quyết định, đều có một phần là "giống tốt" một phần là "cỏ lùng". Điều căn bản là ta đừng chán nản nhượng bộ, là làm.."bất cứ việc gì" hay là chỉ làm những việc mình ưa thích."

Giavê đã thịnh nộ với Salamon bởi vì tâm hồn ông đã xa lìa Yavê.

Qua cuộc chiến đấu tinh thần của ta, chính Thiên Chúa cùng "liên lụy" vào. Sự quan hệ của ta với Thiên Chúa có thể bị tổn thương hoặc được củng cố thêm. "Xa lìa khỏi Chúa"…"Tuân giữ Giao ước". Đó là các từ của tình thương. Tội lỗi, trước tiên, là một sự đổ vỡ giữa ta và Thiên Chúa.

ôi lạy Cha, con biết con là kẻ có tội. Khi tưởng nghĩ về các tội thường xuyên của con, con nguyện xin Chúa, Lạy Chúa…

Bài Tin Mừng: Lc 7: 24-30

Chúa. Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng Người không thể ẩn náu được.

Đức Giêsu không tìm kiếm những hành động hiển hách. Người luôn giữ kín bí mật thiên sai. Công việc của Thiên Chúa là công việc kín đáo, không gây ồn ào... và không tìm cách để người ta bàn tới.

Khởi sự từ đó, tôi tự vấn lương tâm. Tôi có háo hức mong muốn Thiên Chúa và Giáo hội tỏ hiện cách ngoạn mục không? Tôi có thực tâm chấp nhận sự khiêm hạ của Thiên Chúa không?

Phần tôi, tôi có tìm cách phô trương, thích trội vượt hơn người khác không.

Một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, đến phục lạy Người.

Kiểu nói "thần ô uế" được dùng tới 23 lần trong Tân ước.

Có bao nhiêu bà mẹ trên toàn thế giới, khi lo lắng cho con cái mình, biết cầu nguyện và trút nỗi lo đó Chúa Giêsu!

Bà đó là dân ngoại, dòng giống Syrophenixi.

Marcô nhấn mạnh điều đó.

Vào lúc Marcô biên soạn Tin mừng, thì Rôma, giữa lòng dân ngoại, chi tiết này không kém phần quan trọng. Ong muốn minh chứng rằng, Chúa Giêsu thật sự là Đấng sáng lập "Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại". Quả thực, người đã lìa bỏ xứ sở mình để đi đến địa hạt Tyrô.

Bước theo Chúa Giêsu, tôi có một tâm hồn truyền giáo không?

Giáo hội không thể hài lòng nguyên việc nuôi dưỡng đức tin cho những kẻ để nghe biết Tin mừng.: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội khởi đầu bằng những lời như sau: "Được Thiên Chúa sai gửi đến muôn dân để nên bí tích cứu độ phổ quát, Giáo hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và mệnh lệnh của Đấng sáng lập (Mc. 16,16), nhất quyết loan báo Tin mừng cho hết mọi người".

Tôi có tâm hồn phổ quát như thế không? "Công giáo" là một từ Hilạp, có nghĩa là "phổ quá". Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Phần tôi, tôi làm gì cho công việc đó?

Hãy để cho con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó. Bà thưa rằng: "Thưa thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái".

Ta cần duy trì những lời trên trong tình tiết thú vị này.

Theo lời nài xin của người phụ nữ dân ngoại, Đức Giêsu chấp nhận lấy "bánh của con cái" (dành cho người Do Thái) để chia sớt, cho "các chó con" ám chỉ dân ngoại).

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nếu ta nhớ lại cuộc tranh luận gay go thời giáo hội sơ khai về vấn đề gia nhập Giáo hội của anh em dân ngoại.

Đức Giêsu cho người ta hiểu rõ rằng: bánh Người muốn cho đoàn lũ ăn no nê, nếu trước tiên dành cho Israel, thì một ngày kia sẽ được chia sẻ eho mọi người.

Đức Giêsu liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về, quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi". Khi bà về đến nhà, thì thấy con gái nhỏ nằm trên gường và quỷ đã xuất rồi.

Qua những lời trên tôi: càng hiểu rõ rằng, Đức Giêsu luôn ý thức về vai trò của mình: Người không chỉ "là Đấng Thiên sai Israel" ngóng chờ, mà còn là Đấng cứu thế mọi người, mọi dân tộc âm thầm đợi mong.

Người là Đấng có thể giải thoát mọi chủng tộc khỏi ác thần. Ngườí là Đấng có thể giải thích "cái tốt nhất của chính mình" nơi mọi người.

Lạy Chúa, xin. giải thoát chúng con khỏi quỷ thần, khỏi mọi quyền lợi đang thống trị chúng con.


Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa trừ quy ở miền Ty-rô.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Nhìn vào Chúa Giê-su:

a) Sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su:

Không phải là một chương trình cứng nhắc: tuy phải để con cái ăn no trước đã (sứ mạng cứu độ cho người Do Thái trước đã), nhưng Người đã bỏ nguyên tắc hành động ấy để giúp cho người đàn bà thoát cảnh khốn cùng vì người con gái của bà bị quỷ ám.

Công việc tông đồ truyền giáo, vì thế cũng không nên cứng nhắc theo hình thức về nơi chốn, về đối tượng, về hoàn cảnh và về phương tiện, miễn sao đáp ứng được nhu cầu cần phải cứu giúp tha nhân.

b) Việc Chúa chữa lành cho đứa bé gái, con của một phụ nữ ngoại giáo có ý chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng một ngày kia cả lương dân cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ. Và đó là tính cách phổ quát của ơn cứu độ Chúa ban cho loài người.

c) Công việc của Chúa Giê-su trong đoạn Tin Mừng này giúp chúng ta suy nghĩ: trong đời sống hoạt động tông đồ, chúng ta hay để cho cảm tình, thường là tạm bợ và bồng bột, chi phối hơn là ý thức rằng đó là một bổn phận.

2. Thái độ tin của người đàn bà dân ngoại:

a) Thái độ của người đàn bà dân ngoại là thái độ của người có một đức tin khiêm tốn và mạnh mẽ:

- Khiêm tốn: vì đã sấp mình trước chân Chúa và tự nhận mình bất xứng, nhưng vẫn tin tưởng để được nhận lời xin.

- Mạnh mẽ: Vì bà đã không nản lòng khi bị bỏ rơi, bị từ chối lời xin. Và bà đã tin theo lời Chúa dạy chứ không cần đến bằng chứng cụ thể bên ngoài để nâng đỡ đức tin.

b) Đức tin khiêm nhường và mạnh mẽ của người đàn bà này là mẫu gương cho những ai muốn cầu xin Chúa.

c) Người con gái của người đàn bà này được Chúa trừ quỷ là do hiệu quả của đức tin của người mẹ.

Công phúc của người này ảnh hưởng đến phần rỗi của người kia!

3. Nhìn vào đức tin của người đàn bà này, chúng ta nhận ra rằng người có đức tin đích thực không lâm vào tâm trạng xao xuyến, ngay khi Thiên Chúa che dấu thánh nhan Người.

4. Nhìn vào người con gái của người đàn bà:

Hiệu quả được trừ quỷ là do đức tin của người mẹ. Ơn cứu rỗi của chúng ta cần có sự trợ giúp do công phúc của những người xung quanh, chính vì thế chúng ta năng xin người khác cầu nguyện cho mình, và ngược lại mình cũng phải nhiệt tình cầu nguyện và lập công phúc để giúp ích cho người khác nữa (xem Lc 5,17-26).


Hành Trang Mục Vụ - Khoá 10 ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét