06 Tháng Hai
Hướng Về Nagasaki
Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào năm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.
Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh vào năm 1862.
"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái".
Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật.
Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.
Ước gì sự xác tin, lòng can đảm va sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.
![](https://giaophanphucuong.org/Document/Images/LoiChua/suy%20niem%20hang%20ngay/chua%20giesu%20chua%20lanh%20nguoi%20benh%20phong.jpg)
![](https://giaophanphucuong.org/Document/Images/LoiChua/suy%20niem%20hang%20ngay/chua%20giesu%20chua%20lanh%20nguoi%20benh%20phong.jpg)
PHÚC ÂM: Mc 6, 53-56
"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh. Đó là lời Chúa. (thanhlinh.net)
Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ,… bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,56)
Suy niệm: Một hình ảnh quen thuộc của thời đại, nhất là nơi giới trẻ, đó là hiện tượng tôn sùng thần tượng: các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh, bóng đá đi đến đâu thì người hâm mộ tuôn đến, gào thét, xin chữ ký, thậm chí hôn cả ghế ngồi… Thánh Mác-cô kể: sau khi Chúa làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, dân chúng đông đảo đến với Ngài không khác gì người hâm mộ chạy theo các ngôi sao: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su… Nghe tin Người ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.” Nhưng Chúa Giê-su đâu có phải là một “siêu sao” chỉ nhằm quy tụ thật nhiều “vệ tinh” những người hâm mộ vây quanh mình. Ngài là Chúa, là Đấng Thánh, Ngài nâng những động lực ban đầu đậm màu thế tục ấy lên cấp độ siêu nhiên, đến vô cùng. Ngài đụng chạm đến ai, người ấy được chữa lành, không chỉ tật bệnh thể xác, mà còn cứu sống cả linh hồn. Ngài mời gọi đừng chỉ “tìm của ăn mau hư nát,” mà phải tìm thứ “lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6,27).
Mời Bạn: Đời sống đạo của tôi, tôi theo Chúa Giê-su. Tôi có khao khát tuôn đến với Thánh lễ, với Thánh thể để được gặp Chúa chưa? Tôi có kinh nghiệm gặp Chúa Giê-su, Đấng tôi tôn thờ chưa, hay Chúa Giê-su vẫn còn mơ hồ trong tôi?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ đến với Thánh lễ, Thánh Thể để được gặp gỡ, đụng chạm đến Chúa của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là “Ngôi Sao” quyền năng và hằng quan tâm và yêu thương con. Con xin đội ơn Chúa, và yêu mến Chúa! (5 Phút Lời Chúa)
Đối Diện Với Sự Thật Chứ Không Quanh Co Lẩn Tránh
Giữa bao chuyển biến và bao vấn đề đang nổi lên trong thời đại chúng ta, không thể có bất cứ gì cho phép ta sút giảm lòng tôn trọng đối với sự thật. Sự thật cần phải được tôn trọng một cách hoàn toàn và tuyệt đối. Không thể hàm hồ đối với sự thật. Tiếng gọi này đặc biệt dành cho những người làm việc trong lãnh vực truyền thông. Phải trung thành với sự thật!
Thật vậy, nhận hiểu mãnh lực và tốc độ thông tin liên lạc của thời đại hôm nay, người làm công tác truyền thông không thể không cảm thấy gánh nặng trách nhiệm đối với toàn xã hội. Vì thế, họ phải là những con người của sự thật.
Thái độ đối với sự thật của một nhà báo, chẳng hạn, là chính chuẩn mực cho biết anh ta là nhà báo đích thực đến mức nào. Lương tâm nghề nghiệp của anh ta như thế nào – điều đó tùy thuộc vào sự ngay thẳng của anh, tùy thuộc vào mối ràng buộc của anh đối với sự thật. Anh phải không ngừng nắm giữ lấy hai sự trung thành trong công việc của anh. Trước nhất, anh phải trung thành với sứ mạng của chính mình trong tư cách là một người cung cấp sự thật. Thứ hai, anh phải trung thành với sự tín nhiệm của công chúng – sự tín nhiệm mà anh kiến tạo được với độc giả hay khán giả của anh.
Nhà báo phải quyết liệt và thẳng thắn vạch trần những sai lầm và giả dối. Sứ mạng ấy càng đặc biệt khẩn thiết trong liên hệ với những vấn đề hiện nay của chúng ta. Nhìn thẳng vào sự thật và gạt bỏ mọi dối trá, đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta giải quyết những vấn đề của chúng ta hôm nay.
Lời Chúa Trong Gia Đình
Lời Suy Niệm: “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.”
Với quyên năng yêu thương và chữa lành mọi bệnh tật của Chúa Giêsu; đã làm cho đám đông dân chúng chạy đến với Người và đặt bệnh nhân của họ trên lối đi của Người và tin chỉ cần được chạm đến tua áo của Người thì đã được lành bệnh. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta phải ý thức lại về niềm tin của chính mình. Đã biết bao nhiêu lần chúng ta đã trực tiếp rước Chúa vào trong lòng mình, mà mình đã có những biến đổi nào tốt chưa? Những bệnh tật về phần xác và tinh thần đã được chữa lành chưa?
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con ơn đức tin và yêu mến Chúa, để nhờ đó những bệnh tật trong đời sống của chúng con được Chúa chữa lành, để trở nên chứng nhân của Chúa nơi môi trường chúng con đang sống và làm việc. Mạnh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét