Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

LÀM CHỨNG TIN MỪNG

26 Tháng Giêng
Quốc Khánh Của Australia
Hôm nay 26 tháng 01 là ngày quốc khánh của người Australia.
Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.
Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước. Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này,  thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được lhai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.
Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.
Câu chuyện lập quốc của nước Australiacó thể giúp chúng ta hiểu được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.
Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm cho một công trình mới tốt đẹp hơn.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại ngày hôm qua.
Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtêmang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những dân tộc ở ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ.
Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật.
Oân lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này, chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.
(Lẽ Sống)
PHÚC ÂM: Mc 4, 21-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe". Và Người bảo họ rằng: "Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất". Ðó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.”
(Lc 10,3)
Suy niệm: Những ai được mời gọi đi gặt lúa? Ban đầu là Nhóm Mười Hai; rồi đến 72 môn đệ; tiếp đến là mọi người thuộc mọi dân nước. Ti-mô-thêâ và Ti-tô thuộc những người kế tiếp này. Là môn đệ của Phao-lô, cả hai đã noi gương thầy mình, can đảm rao giảng Tin Mừng, dù chịu nhiều đau khổ, thậm chí cả bách hại, tựa như chiên con giữa bầy sói, như lời Chúa Giê-su căn dặn trong bài Tin Mừng hôm nay. Ti-mô-thê từng đi truyền giáo với Phao-lô, ở lại với Phao-lô khi ngài bị tù, sau đó được giao coi sóc các giáo đoàn mới thành lập như Ê-phê-xô, bị ném đá đến chết tại đây. Ti-tô được Phao-lô sai đi coi sóc giáo đoàn đảo Crê-ta, cũng như đi truyền giáo tại vùng Đan-ma-ti-a. Chúa cũng sai bạn làm chứng nhân cho Ngài giữa đời. Bạn hãy nỗ lực làm cho Tin Mừng mình rao giảng thực sự đáp ứng những khát khao thầm kín của con người hôm nay như khao khát an bình, niềm tin, hạnh phúc và yêu thương. Đáp ứng qua lời nói và đời sống của bạn, một đời sống đầy lòng tha thứ, cảm thông, sẻ chia, tin tưởng và đạo đức như thánh Ti-mô-thê và Ti-tô. Hãy can đảm làm chứng cho Chúa hằng ngày dù có đau khổ trăm bề: “Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1,7). Lạy Chúa Giê-su, Chúa  sai chúng con đi vào thế giới, một thế giới đầy bạo lực, vô cảm, ích kỷ. Xin cho con luôn ghi nhớ chỉ thị của Chúa. Xin cũng ban cho con lòng can đảm, để con loan báo và sống tình thương Chúa mọi  nơi mọi lúc. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét