22 Tháng Giêng
Người Hành Khất Quảng Ðại
Bangladesh là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong một nước nghèo, thì hành khất vẫn là nghề thịnh hành nhât. Một nhà truyền giáo đã thuật lại một trường hợp hành khất lạ lùng như sau:
Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.
Vừa thức giấc, người đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Oâng đếm từng đồng xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.
Adam Smith, kinh tế gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một câu mà K.Marx đã lập lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: "Một nước giàu có là một nước trong đó có nhiều người nghèo". Câu định nghĩa về sự phồn thịnh ấy vừa nói lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống trong một nước giàu có thể cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội mà những người nghèo trong một nước giàu phải gánh chịu.
Bần cùng thường sinh ra đạo tặc. Những nước nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã hội. Tuy nhiên, cũng chính trong cảnh nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều tấm lòng vàng. Cảnh nghèo có thể đưa con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng cũng có thể khiến cho con người dễ cảm thông với người khác và san sẻ quảng đại hơn. Nhưng dĩ nhiên, chỉ có ai có tinh thần khó nghèo đích thực mới hiểu được giá trị của cảnh nghèo và sự thôi thúc của lòng quảng đại. "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó". Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản ấy của Hiến Chương Nước Trời. Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được sự chóng qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể mở mắt để nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới dễ cảm thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.
(Lẽ Sống)
PHÚC ÂM: Mt 4, 12-23
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết". Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!" Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người. Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ðó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn điện, ánh sáng văn minh... Tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật, chứ không thể soi sáng giúp ta nhìn ra “người khác” là “anh em.” Và nhất là, nhân loại vẫn còn thiếu một thứ ánh sáng đủ mạnh để đẩy lùi “bóng tối tử thần,” bóng tối kích động hận thù, gieo rắc sự chết. Ánh sáng ấy được tìm thấy nơi các sách Tin Mừng, chiếu rọi suốt dọc dài lịch sử Giáo hội: ánh sáng giúp người Sa-ma-ri nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho kẻ bị bọn cướp đánh dở sống dở chết nằm bên đường (Lc 10,25-37); ánh sáng bừng lên giúp Mác-ti-nô thành Tu-ri-nô, giữa tiết trời mùa đông giá lạnh, chia đôi áo choàng cho người ăn xin co ro bên đường... Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đã được Đức Ki-tô mang xuống từ trời, Ngài ước mong phải chi ngọn lửa ấy bừng lên (Lc 12,49).
“Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” (E. Roosevelt) Phải chăng vì bạn chưa làm gì tích cực để đẩy lùi bóng tối nên nó vẫn còn giúp cho tham nhũng, bóc lột hoành hành, vẫn còn bao che cho lường gạt, trộm cắp, vẫn còn đồng lõa với nạn giết người, phá thai... Phải chăng vì ngọn đèn Ki-tô hữu chúng ta đã “hết dầu” nên bóng tối lan tràn như thế?
Làm một hành động tích cực để phản ứng lại những gì là bóng tối tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là Ánh Sáng đích thực. Xin cho chúng con kiên vững trong ánh sáng của Chúa, để đẩy lùi mọi thứ bóng tối ra xa chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét