Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26

Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần X Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I:1 V 18, 41-46
"Êlia cầu nguyện và trời đổ mưa" (Gc 5, 18).
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia tâu cùng Acáp rằng: "Xin bệ hạ lên ăn uống, vì tôi nghe có tiếng mưa to". Acáp liền lên ăn uống. Phần Êlia, ông trèo lên đỉnh núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Đoạn ông nói với người đầy tớ rằng: "Hãy lên đây nhìn về phía biển". Người đầy tớ leo lên, đưa mắt nhìn, rồi thưa ông: "Không có gì hết." Êlia lại nói với y: "Cứ xem lại bảy lần". Đến lần thứ bảy (nó báo:) "Kìa, có đám mây nhỏ bằng vết chân người, từ biển kéo lên". Êlia liền bảo: "Hãy lên tâu với Acáp chuẩn bị xe xuống gấp kẻo mắc mưa". Đang lúc vua còn loay hoay thì bỗng trời tối om, mây bao phủ, gió thổi lên, trời đổ mưa như trút. Acáp lên xe đi Giêrahel. Tay Chúa phù hộ Êlia: Ông thắt lưng chạy trước Acáp cho đến khi tới Giêrahel. Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26
"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!" Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
“Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã.” (Mt 5,24)
Suy niệm: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh..., hãy đi làm hòa với người anh em ấy đã...” Chưa khi nào Chúa Giê-su nối kết tôn giáo và tình bác ái huynh đệ chặt chẽ như vậy. Quả thật, hiểu sâu sắc thì mỗi thánh lễ và lời cầu nguyện của tôi phải đẩy tôi tiến thêm một bước nữa trong tình yêu thương huynh đệ. Về điều này, Lời Chúa hôm nay đòi tôi phải thực hiện hai cái trước:
1. Sống tốt mối tương quan huynh đệ trước, rồi mới có thể sống đẹp mối tương quan với Chúa sau.
2. Chúa muốn tôi đi bước trước, khi dạy: “Hãy làm hòa với người anh em ấy đã.” Ngay cả dù tôi là kẻ vô tội trong chuyện này, hay tôi là kẻ đang bất bình với người anh em đã gây ra sự việc, Chúa đều muốn tôi đi bước trước để hòa giải. Như thế của lễ tôi dâng lại càng đẹp lòng Chúa vì thơm hương nhân ái, tha thứ, quảng đại.
Mời Bạn: Nhớ lại những lần chúng ta dự lễ, rước lễ mà trong lòng còn chất chứa ghen ghét, bất bình với người anh em, lúc đó trong tâm hồn chúng ta chẳng còn chỗ cho Chúa, và Chúa không vui thích được đón tiếp trong một tâm hồn hẹp hòi nhỏ nhen như vậy.
Chia sẻ: Đạo Chúa dạy ta sống nhân ái từ trong tư tưởng, đến lời nói và việc làm. Nguyên sự giận dỗi trong lòng, mắng chửi ngoài miệng đã là lỗi phạm nặng nề đức yêu thương rồi (c.22).
Sống Lời Chúa: Tập làm người kiến tạo hoà bình nơi chính tâm hồn mình, không nuôi lòng giận hờn ghen ghét ai.
Cầu nguyện: Hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đó có ân sủng người…”
(5 Phút Lời Chúa)
9 THÁNG SÁU
Trật Tự Của Tạo Vật Trong Ý Định Của Thiên Chúa
Trong trật tự của tạo vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương quan với thế giới, tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi “thống trị mặt đất” cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người. Con người cai quản mọi loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng với người bạn đời của mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một xã hội phục vụ thiện ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị xét như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã thiết định vai trò của con người ở giữa vạn vật.
Chính vì định mệnh ấy mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một chủ thể (một cái ‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả năng suy nghĩ làm cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế giới động vật. Động vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của chúng. Còn trí năng con người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và giả. Khả năng ấy mở ra cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý, thần học. Chính nhờ bản tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi sự. Con người ở trong một tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết định vai trò của con người xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả năng hiểu biết chân lý bộc lộ nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế giới và với người khác. Nó thiết lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng văn hóa.
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09 – 6
Lời suy niệm: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ tại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”.
Những lời dạy của Chúa Giêsu, không như những lời hay ý đẹp của người đời. Nhưng những lời của Chúa dạy, đều có ơn ban kèm theo của Chúa, để tăng thêm khôn ngoan, hiểu biết, cam đảm và sức mạnh đức tin để chúng ta có thể thực thi Lời Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi người trong chúng con rất kém về lòng yêu thương tha thứ đối với nhau, nhưng lại không biết cám ơn những gì đã nhận lãnh. Xin thương ban cho mỗi người chúng con luôn giữ hòa khí vui tươi và an bình yêu thương  với hết mọi người đang sống chung quanh chúng con.
Mạnh Phương
Thánh nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này.
Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.
Thân phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nnhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.
Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập "tự thú" Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng: - Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.
Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lỗi cầu nguyện của thánh nhân.
Được thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn: - "Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ".
Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô thánh Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.
Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sdessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
Người luôn được gọi là "cây đàn của Thánh Linh" là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. - Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào.
Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: - Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.
Ngài qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem: - Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.
Năm 1820, Đức Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)   tháng Sáu
Muôn Vàn Phép Lạ
Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.
Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.
Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: "Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhượng...".
Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.
"Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ". Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.
Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.
Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Con người sống xa cách Thiên Chúa vì rất nhiều lý do: không có cơ hội được nghe Lời Chúa, sống trong gia đình cha mẹ không thực hành đức tin, sống trong xã hội quá chú trọng tới vật chất và chống những giá trị tôn giáo... Rất dễ cho chúng ta kết tội tha nhân và “đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống.” Đức Kitô không cho phép các môn đệ kết tội tha nhân cách dễ dàng như thế; nhưng muốn họ trở thành muối và ánh sáng để đưa những anh chị em lầm đường lạc lối trở về.
Các bài đọc hôm nay đưa ra những bài học cụ thể để làm gương cho các tín hữu. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah sau khi đã chứng minh cho con cái Israel biết đâu là Chúa thật bằng phép lạ Đức Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ, ông ra lệnh cho vua Ahab và toàn dân phải ăn chay để tỏ lòng ăn năn thống hối trước khi cầu khẩn Thiên Chúa cho mưa rơi để chấm dứt những năm hạn hán. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết tội mọi hình thức tức giận, khinh thường và kết tội tha nhân. Thay vào đó, các môn đệ phải luôn có lòng tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương Dân Ngài.
1.1/ Những việc làm tỏ lòng ăn năn thống hối: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt là vì yêu thương: để dân chúng nhận ra lỗi lầm và trở về với Ngài, chứ không phải vì tức giận mà tiêu diệt. Sau khi toàn dân đã nhận ra sai lầm của việc thờ thần Baal, Elijah yêu cầu vua Ahab và toàn dân ăn chay để tỏ lòng thống hối, và ông sẽ cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài đổ mưa xuống trên dân. Khi hết thời hạn ăn chay, ông Elijah nói với vua Ahab: "Xin mời vua lên mà ăn uống, bởi vì có tiếng mưa rào!" Vua Ahab liền lên ăn uống.
Trong khi đó, ngôn sứ Elijah trèo lên núi Carmen. Đỉnh núi Carmen là ngọn núi cao nhất gần Sidon, nhìn ra biển Mediterranean, tại đây, ngôn sứ Elijah có thể nhìn thấy những đám mây đen mang nước mưa vào từ biển. Elijah “cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối.” Đây có lẽ là vị thế cầu nguyện nghiêm trọng nhất để khẩn cầu ơn Chúa xuống. Trên đỉnh núi này, ngày nay vẫn còn một nhà nguyện và chỗ cầu xin của ngôn sứ Elijah cho khách hành hương kính viếng. Vào ngày đẹp trời, du khách có thể nhìn thấy đồng bằng Jezreel chạy cho tới biển hồ Galilee từ đỉnh núi này về phía Đông Nam.
1.2/ Hạn hán chấm dứt: Ông Elijah bảo đầy tớ: "Con đi lên và nhìn về phía biển." Nó đi lên, nhìn và nói: "Không có gì cả!" Ông bảo: "Hãy trở lại bảy lần." Ngôn sứ Elizah cầu nguyện kiên trì bảy để xin ơn Thiên Chúa lần mỗi khi đầy tớ lên đỉnh núi. Lần thứ bảy, nó nói: "Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên." Ông nói: "Con hãy lên thưa với vua Ahab: xin vua thắng xe và xuống kẻo bị kẹt mưa." Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn. Vua Ahab cỡi xe đi Jezreel.
Trong khi đó, “tay Đức Chúa đặt trên ông Elijah; ông thắt lưng và chạy trước vua Ahab cho tới lúc vào vùng đồng bằng Jezreel.” Đây là cuộc chạy đua chiến thắng vì ngôn sứ Elijah đã được Thiên Chúa cho thắng trận huy hoàng. Ông đã làm cho vua Ahab và toàn dân quay trở về với Thiên Chúa và chấm dứt hạn hán.
2/ Phúc Âm: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Tôn trọng phẩm giá của tha nhân: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Chúng ta cần nhớ chương 5 của Tin Mừng Matthew bắt đầu bằng Bát Phúc là những lời dạy của Chúa Giêsu giúp các môn đệ trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Chúa Giêsu thường dùng công thức: “Người xưa dạy... còn Ta, Ta dạy... ” Trong trình thuật hôm nay, Ngài đòi các môn đệ phải ăn ở tốt lành và công chính hơn các kinh sư trong hai lãnh vực:
2.1/ Phải tôn trọng phẩm giá của tha nhân: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân vô đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt."
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ biết có nhiều cách giết người, chứ không phải chỉ giết người về phương diện thể lý. Chúng ta có thể giết tha nhân bằng việc:
- Giận dữ: Hai chữ được dùng trong Hy-lạp: thurmos (giận dữ) cho những cơn giận nóng lên rồi hạ hỏa ngay và orge (cho những cơn giận dai dẳng, giận cho đến mãn đời). Chúa Giêsu ngăn cấm các môn đệ không được giận dữ, “ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.”
- Khinh thường tha nhân: Raca trong Hy-lạp là chữ khó dịch, có thể dịch như “đồ ngu ngốc hay điên rồ về phương diện trí tuệ.” Chúa Giêsu luận tội: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.” Căn bản cho lời luận tội này là mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên.
- Mắng anh em là moros (điên rồ về phương diện luân lý): Những người này có thể là những người vô thần hay sống một cuộc sống đồi trụy. Chúa Giêsu luận tội: “Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” Bổn phận của các môn đệ là phải kiên nhẫn đưa họ về, chứ không phải mắng mỏ, buộc tội.
2.2/ Cần phải tha thứ: Truyền thống Do-thái cũng như Kitô hữu tin mối liên hệ hàng dọc với Thiên Chúa tùy thuộc vào mối liên hệ hàng ngang với tha nhân: một người phải tha thứ cho anh em trước khi muôn được Thiên Chúa tha thứ. Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.
Ngoài ra, ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy "dĩ hòa vi quí;" người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ''Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không được giận dữ, khinh thường, hay buộc tội tha nhân; nhưng phải luôn tìm dịp cho họ có cơ hội ăn năn thống hối và trở lại với Thiên Chúa.
- Trở nên tốt là một tiến trình đòi kiên nhẫn và thời gian. Chúng ta cần kiên nhẫn giáo dục tha thứ, và khuyến khích tội nhân trên đường về với Thiên Chúa.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét