Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12


                                                        MỘT CHÚT BUỒN..


                                                - Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay.

                                                - Linh Mục quản xứ, đi lên một mình.

                                                - Dáng người đi cũng hay hay,

                                                - Bước lên Cung Thánh, mặt thấy hồng hào,

                                                - Không biết chuyện gì xảy ra,

                                                - Mấy cậu giúp lễ, giựt mình chạy sau.

                                                - Giáo dân du lịch đường xa,

                                                - Tham dự Thánh Lễ, họ ra xì xào,

                                                - Mới hay chủ tịch xứ ta,

                                                - Ngũ quên một chút, làm Cha buồn lòng...

                                                                      Tin Mừng ngày 14/02/2016

                                                                                   Valentine


Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần X Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 1-6
"Êlia đứng trước tôn nhan Chúa, Thiên Chúa Israel".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia người Thesbê thuộc miền Galaad, tâu vua Acáp rằng: "Có Chúa là Đấng hằng sống, Thiên Chúa dân Israel, mà tôi đứng trước tôn nhan! Trong những năm sắp tới, sẽ không có sương mà cũng không có mưa, nếu tôi không ra lệnh". Và Chúa đã phán cùng Êlia như sau: "Ngươi hãy bỏ nơi này, đi về hướng đông và ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Nơi đây ngươi sẽ uống nước suối, và Ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi". Vậy ông trẩy đi và làm như lời Chúa dạy. Ông đến ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Sáng sớm quạ đem cho ông bánh và thịt; ban chiều quạ cũng lại đem cho ông bánh và thịt, và ông uống nước suối. Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
THẾ NÀO LÀ PHÚC THẬT?
“Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4)
Suy niệm: Nhìn thấy một gia đình có con cái ngoan ngoãn hiếu thảo, thành đạt, chúng ta thường nói gia đình đó có phúc. Tuy nhiên, để hình dung thế nào là ‘phúc’ thì thật không dễ dàng. ‘Phúc’ là gì? Thời cha ông ta còn dùng chữ nho, các cụ thường dùng phép chiết tự để giải thích ý nghĩa từ ngữ, theo đó từ “phúc” gồm bộ “kỳ” có nghĩa là thần đất, bên cạnh là tượng hình đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Như thế, từ “phúc” có nghĩa là được ơn trên ban cho có nhiều ruộng vườn. Hôm nay, Chúa Giê-su nói cho ta về “phúc”, không chỉ một mà tới tám điều phúc. Các điều phúc ấy cũng liên quan tới “đất” nhưng không giới hạn ở cuộc đời này mà là “Đất Hứa”, là “Nước Trời” mai sau. “Phúc” thật không phải là hoa màu ruộng đất hay tài lột đời này mà được Thiên Chúa ủi an, thương xót, được Ngài cho no thoả, hoan lạc nơi Ngài; và hạnh phúc đó là không giới hạn và tồn tại mãi.
Mời BạnBạn băn khoăn tìm kiếm con đường dẫn đến hạnh phúc thật. Chúa Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa chúng ta đến đó. Mời bạn tiến bước trên con đường của Ngài. Đó chính là con đường Chúa đã đi qua, đi trước và mời gọi chúng ta bước theo, để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài, để chúng ta được hạnh phúc có Chúa làm gia nghiệp.
Sống Lời Chúa: Tôi chọn một mối phúc và tích cực thực hiện mối phúc đó trong ngày sống hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa thế gian này vàng thau lẫn lộn, xin cho con sống theo lời Chúa dạy, vì Lời Chúa là chân thật, Lời Chúa mang lại hạnh phúc đích thực cho con. Con cám ơn Chúa, con ngợi khen Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).
Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”
Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.
Lời suy niệm: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Chúa Giêsu lên núi, ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên, Người mở miệng day. Đây là dấu chỉ của vị bậc Thầy, và Chúa Giêsu đã dạy một giáo lý mới về những mối phúc thật sự, để được hưởng Phúc Nước Trời. Những cái phúc này có cái gì đó đi ngược với quan niệm của Thế gian, nhưng nó lại được nằm trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa và thực hiện ý muốn của Người mang lấy “hình ảnh của Người”. Những cái phúc này hoàn toàn mang tính từ bỏ chính mình, đặc trọn cuộc đời mình vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang chúc phúc cho những ai: có tâm hồn nghèo khó – hiền lành – sầu khổ - khao khát nên người công chính – xót thương người – có tâm hồn trong sạch – xây dựng hòa bình – bị bách hại vì Thầy. Xin cho mỗi người trong chúng con được lãnh nhận một trong tám lời chúc phúc của Chúa. Để chúng con cùng vui hưởng hạnh phúc trong Nước Trời.
Mạnh Phương
Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.
Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henty mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng "xiềng xích" và không can đảm bẻ gãy được.
Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước: - Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?
Một tiếng nói bên trong đáp lại: - Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.
Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.
Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: - Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được dặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.
Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernadô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.
(daminhvn.net)
06 Tháng Sáu
Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi
Buổi sáng ngày 06 tháng 6 năm 1966. Trương cao biểu ngữ với tựa đề: Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi, một người da đen 32 tuổi đã bước xuống quốc lộ thứ 51 của thành phố Memphis thuộc tiểu bang Mississipi bên Hoa Kỳ. Tiểu bang Mississipi có tất cả một triệu người da đen. Mặc dù luật pháp Hoa kỳ bảo đảm cho mọi người công dân, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, quyền được bỏ phiếu, trong thực tế chỉ có 100 ngàn người da đen đủ can đảm thi hành quyền này. Con số còn lại, vì sợ hãi bởi nhiều sức ép khác nhau đã không dám đi bỏ phiếu.
James Meredith, người thanh niên da đen nói trên, đã tuyên bố: "Chúng ta cần phải giải thoát khỏi những sợ hãi do người da trắng tạo ra. Tôi sẽ tuần hành từ Memphis đến thủ phủ của tiểu bang để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng một người da đen có quyền sống và đi lại, tôi muốn thắng vượt nỗi sợ hãi và những đe dọa do những người phân biệt chủng tộc tạo nên".
Trong phút chốc, nhiều người, kể cả những người da trắng, đã ra khỏi nhà và tuần hành bên cạnh Meredith. Meredith tâm sự với một vị mục sư đi bên cạnh như sau: "Thoạt tiên, tôi định mang theo một khẩu súng. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định mang theo một khí giới duy nhất: đó là quyển Kinh Thánh".
Meredith dự định băng qua 350 cây số để đến tiểu phủ của tiểu bang, nhưng chưa đầy một ngày đường, anh đã bị một người da trắng quá khíh bắn ngã gục. Phát súng định mệnh đó làm rung động toàn thể nước Mỹ.
Giữa lúc Meredith đang nằm điều trị tại một nhà thương, từng đoàn người đến thăm và ủng hộ sáng kiến của anh. Sự sợ hãi giờ đây nhường chỗ cho một phong trào đang vươn lên với đầy khí thế...
Mục sư Martin Luther King, giải thưởng Nobel về Hòa Bình và là thủ lãnh của phong trào tranh đấu bất bạo động của người da đen tại Hoa Kỳ, đã ngỏ lời với từng trăm ngàn người đang đứng trước cửa bệnh viện Memphis như sau: "Cuộc tuần hành chống lại sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta sẽ xuống đường lại ngay mà nơi Meredith đã bị bắn gục. Con đường từ Memphis đến Jackson chỉ dài độ 350 cây số. Nhưng xiềng xích của sợ hãi và đe dọa mà chúng ta muốn bẻ gãy lại còn dài gấp bội".
Những người da đen bên Hoa Kỳ đã phải trải qua những năm tháng dài dưới sự đe dọa và sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng thường tình của những ai đang sống trong đe dọa, bất an.
Không biết mình sẽ bị bắt giữ lúc nào, không biết mình sẽ được phóng thích lúc nào, không biết mình có đủ cơm ăn áo mặc cho ngày mai không, không biết tương lai của con em mình sẽ như thế nào, không biết niềm tin của mình rồi ra có còn đứng vững trước những đe dọa không. Từng nỗi hoang mang ấy khiến ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua sợ hãi.
Chúa Giêsu, trong những giây phút nguy ngập nhất đã trấn an các môn đệ của Ngài: "Các con đừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian". Nghĩ đến cuộc khổ nạn đang chờ đợi ở trước mắt, Chúa Giêsu đã run rẩy sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng, Ngài đã thắng vượt tất cả bằng khí giới của Tình Thương. Tình Thương là sức mạnh của Ngài trong bao thử thách... Meredith đã không mang theo súng đạn để trấn an chính mình, anh chỉ mang theo một quyển Kinh Thánh. Phải, bởi vì Kinh Thánh là biểu hiện của Tình Thương.
(Lẽ Sống)
Mọi sự trong thế giới là của Thiên Chúa vì Ngại dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng trong những ngày họ sống trong thế gian; nhưng rất nhiều người, thay vì biết cám ơn Thiên Chúa đã ban cho, lại coi những gì mình có là do sức lực và tài khéo của mình, thay vì thờ phượng Người đã dựng nên tất cả lại quay sang thờ phượng những thứ Người đó tạo nên. Tiên tri Isaiah so sánh những người như thế còn thua cả loài vật, vì: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3).
Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người biết hạnh phúc thật không phải là ở sự hưởng thụ vật chất; nhưng là ở chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah truyền lệnh đóng cửa trời. Mục đích là để cho dân nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và quay trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tóm tắt đạo lý của Người trong Bát Phúc; những gì con người phải làm để được Thiên Chúa chúc phúc.
1/ Bài đọc I: Trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.
1.1/ Lệnh truyền của tiên tri Elijah: Tiên tri tức giận vì nhà vua và dân chúng đã rời xa Thiên Chúa, vì muốn cho họ mở mắt nhìn thấy đâu là Thiên Chúa thật, ông nói với vua Ahab của Israel rằng: "Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh."
Thiên Chúa không những dựng nên cây cối và hạt giống làm thức ăn cho muôn loài, Người còn quan phòng cho mưa nắng, sương gió giúp hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng. Nếu thiếu những yếu tố này, hạt giống sẽ không thể mang lại cho con người lương thực. Để giúp nhà vua và con cái Israel nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, tiên tri được Thiên Chúa cho quyền năng “đóng cửa trời,” để không có mưa hay sương rơi xuống trên mặt đất cho tới khi tiên tri truyền lệnh lại.
Không có mưa hay sương, con người và thú vật sẽ chết vì khát, cây cỏ sẽ khô héo và không sinh lương thực, con người và thú vật sẽ chết vì đói. Tiên tri hy vọng khi con người phải đối diện với nguy hiểm chết vì đói khát, họ sẽ nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.
1.2/ Thiên Chúa quan phòng cho Elijah: Khi không có mưa sương rơi xuống, cả tiên tri Elijah cũng bị ảnh hưởng, nhưng ông tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết chỗ nào có nước để tiên tri có nước uống: “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Ngươi sẽ uống nước suối.” Về thức ăn: “Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy." Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Ông uống nước suối.
Trình thuật trong Sách Các Vua dạy chúng ta bài học: Nếu con người không biết nhận ra và cám ơn những ân huệ Thiên Chúa đã làm, Ngài sẽ cất đi và con người sẽ chết; nhưng nếu con người nhận ra và tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ có cách nuôi dưỡng con người ngay cả trong khi hạn hán, đói khát.
2/ Phúc Âm: Người có phúc là người biết trông cậy hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
Có thể nói Bát Phúc là tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu dạy dỗ con người trong những ngày Ngài rao giảng ở trần gian. Có thể tóm tắt Bát Phúc vào ba điều chính theo chủ đề hôm nay. Con người cần phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
2.1/ Trong khi thiếu thốn vật chất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Có nhiều cách giải thích về cụm từ “tâm hồn nghèo khó.” Trước tiên, chúng ta không thể giản lược vào thiếu thốn vật chất; nhưng rất nhiều lần Chúa Giêsu tuyên bố người giầu có rất khó vào Nước Trời. Lý do đơn giản khi con người có đầy đủ mọi thứ, họ có khuynh hướng không cần Thiên Chúa; tối ngày chỉ lo kiếm nhiều tiền, và khi có nhiều tiền lại tìm kiếm hưởng thụ. Dĩ nhiên Chúa không cổ động lối sống nghèo đến độ không có của ăn nhà ở, con người cần có những thứ căn bản ổn định trước khi có thể phát triển tinh thần. Thứ hai, có người giầu nhưng biết dùng của cải Chúa ban để phân phát cho người nghèo, ủng hộ vào các chương trình phát triển hay nuôi dưỡng ơn gọi, hay mở rộng nhà cửa để tiếp đón những nhà truyền giáo. Có lẽ điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến ở đây là có lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự, chứ không thuần nhất chỉ của cải vật chất mà thôi.
2.2/ Trong khi thiếu thốn tinh thần: Hiền lành không có nghĩa khờ khạo để cho người khác muốn làm gì thì làm; nhưng phải biết khi nào và cách thức phản ứng để đạt được kết quả tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. Trên đường nhân đức, người khao khát được trở nên người công chính là người dễ đạt tới đỉnh trọn lành, vì nếu coi thường hay xem nó không quan trọng, làm sao người đó chịu bỏ công sức để tập luyện! Xót thương tha nhân là điều kiện Chúa đòi để được Chúa xót thương. Ai không có lòng thương xót anh em mình, làm sao dám cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Ơn Phúc Kiến, nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường là mục đích của cuộc đời. Điều kiện Thiên Chúa đòi là tâm hồn trong sạch. Chữ trong sạch ở đây hiểu là “nguyên chất,” không pha trộn với điều gì khác. Nếu hiểu như thế, trong sạch không chỉ giản lược vào phạm vi tình dục; nhưng bao gồm tất cả các mong ước bất chính. Bình an là quà tặng Thiên Chúa ban cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xây dựng bình an là giúp cho con người hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa.
2.3/ Trong khi chịu đau khổ: Khi con người chịu đau khổ, họ có thể rơi vào một trong hay trạng thái: (1) than thân trách Thiên Chúa và mất niềm tin tưởng nơi Ngài; (2) nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Ngài ghé mắt nhìn tới. Con người dễ hướng lòng lên Thiên Chúa khi thiếu thốn đau khổ hơn là khi sung sướng hạnh phúc. Nhiều thánh mong ước được chịu đau khổ để họ được cảm thấy sự ủi an của Thiên Chúa. Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ nơi Thiên Chúa. Khi có dịp để chịu đau khổ vì Chúa, các tín hữu phải hãnh diện vì được thông phần vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, và cũng sẽ được thông phần vào vinh quang của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vật chất chỉ là những phương tiện của cuộc sống không phải là đích điểm của cuộc đời. Chúng ta đừng vì vật chất mà sống xa Thiên Chúa.
- Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm đầy những khao khát hạnh phúc của con người. Để chiếm hữu Thiên Chúa, con người cần khao khát tập luyện các nhân đức.
- Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho chúng ta biểu tỏ đức tin vào Thiên Chúa. Nếu chúng ta ao ước được chịu đau khổ với Đức Kitô, Ngài sẽ cho chúng ta cùng hưởng vinh quang với Ngài.
Lin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét