Thứ bảy ngày 30 Tháng Bảy
Người Tử Tù
Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.
Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.
Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: "Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?". Cô trả lời: "Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được".
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống...
Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..
Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.
NGƯỜI TRUNG THỰC
Ở trường Khang học, thời gian gần đây có hiện tượng một số bạn nhỏ bị kẻ xấu bắt cóc đưa đi để trấn lột vàng khiến cả nhà trường và phụ huynh bất an. Ngày 11/4 vừa qua, lợi dụng lúc bảo vệ mở cổng trường để phụ huynh đưa con đi học, một kẻ xấu đã dụ dỗ một học sinh tháo đôi hoa tai vàng đưa cho mình, khi thấy Khang phát hiện ra chuyện này, kẻ xấu đã đưa cho cậu bé 10.000 đồng rồi dọa dẫm nếu mách sẽ bị đánh.
Nhưng cậu bé gan dạ không sợ hãi, cậu không nhận tiền và còn nhanh trí chạy đi báo với thầy cô, nhờ thế nhà trường đã cho khóa cổng và mời công an đến bắt ngay kẻ gian manh. Và UBND huyện Tân Phú hôm 8/5 đã tổ chức trao bằng khen và tặng thưởng cậu bé Khang 2 triệu đồng.
Bài báo ngắn gọn nhưng vẫn cho biết gia cảnh nhà Khang rất nghèo, bố mẹ em rất nghèo, hàng ngày phụ giúp bưng bê ở quán ăn và làm thêm ở một vựa ve chai để nuôi các con ăn học. Tôi đọc chi tiết này lại càng cảm động, thế đấy, ông bà ta đã bảo “đói cho sạch, rách cho thơm”, và cái gia đình mà bố mẹ phải hàng ngày tiếp xúc với những thứ rác thải, đồ phế liệu để kiếm chút tiền trong sạch nuôi con này đã may mắn thay khi truyền được cho con mình đức tính tốt đẹp ấy.
PHÚC ÂM: Mt 14, 1-12
"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".
"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.
-- Cuộc đời bạn cũng có thể trượt dốc từ một lầm lỗi nghiêm trọng đối với bậc sống của mình. Biết mình sai lỗi mà vẫn cố chấp, yếu nhược sống trong lầm lỗi ấy sẽ đưa bạn đến những vấp ngã nặng nề hơn, và một kết cục không ngờ. Trái lại, khiêm tốn nhìn nhận vấp váp đầu tiên ấy sẽ giúp bạn sửa đổi, làm mới lại cuộc đời mình.
-- Tôi cố gắng sửa đổi một thói xấu lâu nay mình vẫn biết là sai trái, không hợp với bậc sống mình, nhưng chưa đủ can đảm để sửa đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét