Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

THÁNG CÁC LINH HỒN

Nov
03

Phương thế hữu hiệu cứu giúp các đẳng Linh Hồn


Thánh Lễ là phương thế hữu hiệu nhất để cứu giúp các Linh Hồn

Ý Nghĩa Của Việc Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Khi thời tiết trở nên se lạnh và những chiếc lá mùa thu bắt đầu rơi rụng cũng là lúc chúng ta nhớ đến những người thân yêu của mình, những người mà ngày nào đó vẫn còn ở bên cạnh ta nhưng nay không còn hiện diện với ta nữa. Để nhớ đến các ngài, Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Tháng này bắt đầu với Lễ Các Thánh và Lễ Cầu Nguyện Cho các Linh Hồn, chúng ta gọi tháng này là tháng cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.
Việc cầu nguyện cho những người đã khuất có nguồn gốc từ Cựu ước. Trong sách Maccabê ghi lại sự kiện này như sau: “Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Ðó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mc 12, 44-46).
Giáo hội từ những thế kỷ đầu đã có truyền thống cầu cho các tín hữu đã qua đời, truyền thống này được cho là khởi đi từ Thánh Augustinô. “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ 10, việc cử hành thánh lễ này được tố chức vào tháng 10. Khoảng từ năm 988 – 1030, thánh Ôđilô tuyên bố rằng thánh lễ này nên được tổ chức vào ngày 2 tháng 11 trong tất cả các đan viện của Dòng Biển Đức. Hơn hai thế kỷ sau, tất cả các đan viện của Dòng Biển Đức và Dòng Carthusian tổ chức thánh lễ này vào ngày 2 tháng 11, sau đó truyền thống này được lan rộng trong toàn Giáo hội cho đến ngày nay.
Với truyền thống kính nhớ tổ tiên ông bà, các Tín hữu Công Giáo Việt Nam rất coi trọng tháng này. Mỗi gia đình thường lau dọn những phần mộ của người thân, xin lễ cầu nguyện, làm việc lành, và nhất là dọn mình lãnh ơn toàn xá để chỉ cho các linh hồn. Tất cả những gì chúng ta làm là để tìm ơn ích cho các linh hồn, đặc biệt là linh hồn những người thân yêu. Tại sao những người đang sống lại có thể cầu nguyện cho các linh hồn, và liệu họ có cần lời cầu nguyện của chúng ta không?
Trước hết, truyền thống cầu nguyện cho các linh hồn khởi đi từ giáo thuyết của Giáo hội Công Giáo về Luyện ngục. Mạc Khải của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nhưng Ngài cũng là Đấng phán xét công minh. “Do đó, tội lỗi, vì xúc phạm đến sự thánh thiện và công chính của Thiên Chúa, nên đã sinh ra những hình phạt. Những hình phạt này được đền bù ở đời này hoặc đời sau. Quả thế, trong Luyện ngục, các linh hồn “chết trong tình yêu của Chúa và thực tình sám hối, trước khi đền bù cân xứng với tội phạm, phải “thanh tẩy sau khi chết” bằng những khổ hình trong Luyện ngục.”[1] Tuy Luyện ngục là nơi thanh luyện nhưng Người Công Giáo tin rằng Luyện ngục cũng chính là nơi mà Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Ngài khao khát tẩy rửa linh hồn chúng ta để chúng ta có thể thông hiệp trọn vẹn với Ngài trong Thiên Quốc. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Ngài; vì thế, nhờ sự chuyển cầu của những người còn sống những linh hồn ở trong luyện ngục có thể thoát khỏi các hình phạt do tội gây ra.
Thứ  hai, với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta không thực hiện hành trình đời mình một cách đơn lẻ nhưng cùng với toàn thể anh chị em trong cộng đoàn những người tin. Sự thông hiệp này không chỉ được diễn tả giữa những người con sống, mà với cả những người đã qua đời, đây gọi là mầu nhiệm “Các Thánh Cùng Thông Công.” Theo đó, Hội thánh theo nghĩa rộng gồm ba thành phần: Giáo hội lữ hành (tại thế), Giáo hội khải hoàn (chiến thắng), Giáo hội thanh luyện (khổ đau). Trong Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina) do ĐTC Phaolô VI ban bố ngày 1 tháng 1 năm 1967 xác nhận rằng: “Người Công giáo tương trợ lẫn nhau để đạt đến cùng đích siêu nhiên. Chứng cớ sự tương trợ này thể hiện nơi Adam, từ ông, tội lan ra mọi người. Nhưng ta có sự tương trợ lớn nhất, hiệu quả nhất, được đặt trên nền tảng và gương mẫu của Chúa Kitô, liên kết chúng ta với Đấng kêu gọi chúng ta.”[2] Thật vậy, trong toàn thân thể Giáo hội, tất cả chúng ta được liên kết với nhau nhờ liên kết với Đầu là chính Đức Ki-tô. “Đời sống mỗi người con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô được liên kết cách lạ lùng với các anh chị em tín hữu khác trong sự hợp nhất linh thiêng của Nhiệm thể Chúa Kitô, trở thành một nhiệm thể duy nhất.”[3]
Như vậy, trong những ngày lễ này, chúng ta không chỉ nhớ đến những người đã khuất mà còn được mời gọi để cầu nguyên, bố thí và dâng thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài. Đó là một ân huệ cũng như là một cơ hội để diễn tả tình yêu vốn được xem là bản chất của người Ki-tô hữu.
Trước hết, đó là một ân huệ vì qua hành vi này ta thấy được tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài luôn luôn kiên nhẫn với những yếu đuối và giới hạn của con cái mình. Ân sủng của Ngài luôn mở ra cho những ai sẵn sàng đón nhận. Hơn nữa, khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta cũng xác tín rằng, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ được đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa ngang qua lời cầu nguyện của người thân. Ngoài ra, khi nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, các linh hồn trong luyện ngục được giải thoát khỏi hình phạt và trở về bên Chúa. Ở bên cạnh Chúa, đến lượt mình, các ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta. Như thế nhờ vào sự chung hiệp này, chúng ta có một cách thế chắc chắn để cầu xin cho chính bản thân mình.
Thứ đến, việc cầu nguyện cho các người đã khuất là một cơ hội cho mỗi người Ki-tô hữu diễn tả tình yêu của mình đối với tha nhân. Tình yêu đó trước hết được dành cho những người thân yêu của mình. Những người mà ta vẫn hằng nhớ đến trong lời cầu nguyện cho dù họ đã rời xa ta. Nhờ sự thông hiệp này, mối dây giữa ta với người thân dường như không bao giờ bị cắt đứt. Tình yêu này không chỉ giới hạn nơi những người thân mà còn được nới rộng đến những linh hồn mà ta không biết đến tên của họ. Việc cầu nguyện này cho chúng ta thấy rằng, tình yêu của người Ki-tô hữu vượt qua mọi ranh giới. Vì thế, tình yêu này cũng nhắc nhớ những người đang sống về mầu nhiệm hiệp thông trong thân thể Chúa Ki-tô. Tình yêu này được diễn tả một cách rõ ràng khi những người còn sống lãnh nhận được ơn ân xá nhưng lại muốn nhường lại cho các linh hồn. Đức Phaolô VI đã diễn tả đức ái đó như sau: “Việc sử dụng ân xá cho ta thấy mình gần gũi với nhau trong Chúa Kitô, và đời sống siêu nhiên có thể giúp nhau dễ dàng và gần gũi kết hợp với Chúa Cha. Dùng ân xá có ảnh hưởng cách hữu hiệu trên đức Ái nơi chúng ta, và tỏ ra đức Ái cách trổi vượt khi ta nhường ân xá cho những anh chị em đã ly trần trong Chúa Kitô.”[4]
Nguyễn Minh Triệu SJ

Trang nhất » Tin Tức » Nhịp Sống Đạo


Nguồn gốc lễ Cầu hồn và tháng Các linh hồn

Thứ năm - 23/10/2014 22:30
Nguồn gốc lễ Cầu hồn và tháng Các linh hồn
Nguồn gốc lễ Cầu hồn và tháng Các linh hồn
Cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.


Theo sách vở ghi lại, thì thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện Cluny. Đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany.

Ngài là người thánh đức, thường cầu nguyện, hi sinh , và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời.

Truyện kể rằng:

Một hôm, một đan sĩ Dòng ngài đi viếng Đất thánh Giêrusalem. Trên đường trở về Đan viện Cluny. Tàu chở đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết:

"Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự đau khổ cho quỉ dữ dưới Hỏa ngục".


Sau khi nghe biết sự việc này, cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.

Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ đi thăm viếng, sửa mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền cổ động cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục.

- Tại nước Hungary, người ta gọi ngày 2/11 là "Ngày người chết". Ngày đó, người ta có thói quen tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình họ rồi cho chúng ăn, cho quần áo, cho quà bánh, đồ chơi.

- Tại miền quê nước Poland, người ta kể: nửa đêm lễ Cầu hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu ơn giải thoát khỏi luyện ngục. Người ta nói là, sau đó trở lại thăm lại nhà mình, thăm nơi mình quen thuộc, làm việc mình đã làm khi còn sống. Và để đón tiếp những linh hồn này, người ta để cửa sổ mở suốt đêm mùng 2.

...........

- Tại Việt nam, nhất là miền Bắc, trước Công đồng Vaticanô 2 (62-65) người ta thường sửa mồ mả cha ông vào dịp Tết Nguyên đán đầu năm Âm lịch, tính theo mặt trăng, còn lễ Cầu hồn, người ta đi viếng các nhà thờ chung quanh suốt ngày lễ Các Thánh để lãnh ân xá chỉ cho các linh hồn đã qua đời. Cảnh người lớn trẻ em tấp nập ra vào rất vui vẻ. Người ta dự lễ và xin lễ rất nhiều để cầu cho Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ sớm về hưởng phước Thiên đàng.

--------------------------

*Thương nhớ người quá cố, nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình là chuyện tự nhiên của con người.

*Ao ước cho người thân mình được "nghỉ yên muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc" cũng là tâm lí thông thường.

*Do đó việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi Luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn.

Những điều trên không những hợp lòng người, mà còn hợp giáo lí trong đạo. Giáo lí Công giáo do Đức Thánh cha Gioan Phaolo 2 ban hành năm 1992 có 3 số như sau:

- Số 1030: Cần có Luyện ngục:

"Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

- Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy:

"Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580).


Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện:"Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau" (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau" (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).

- Số 1032: Người sống cứu người chết:
"Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình" (2 Mcb 12,46).

Ngay từ những thời gian đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh lễ( xem DS 856), để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo Hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các người đã qua đời:
Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ( xem G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ (Th. Gioan Kim khẩu, Hom. in 1 Cr 41,5).

* Ngày 10 tháng 8 năm 1915, Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý ĐTC (không bổng) và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng). Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.

* Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai "viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13).

--------------

Tháng cầu hồn ta lo cứu giúp,
Các linh hồn luyện ngục chờ mong,
Thoát ra khỏi ngọn lửa hồng,
Vui về bên Chúa trả công cứu người.

---------------------
Trong mầu nhiệm các thánh thông công, chúng ta cầu cho các linh hồn Luyện ngục, để
khi về Thiên đàng, các Ngài sẽ cầu lại cho ta trước tòa Chúa.

Sưu tầm


Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn Đã Qua Đời

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, trong đó có những linh hồn ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con nội ngoại, thân bằng quyến thuộc, những bạn bè,và những người ân nhân của chúng ta.

"Các anh, bạn hữu của tôi ơi, hãy thương, hãy thương tôi, vì bàn tay của Thiên Chúa đã đánh tôi!" (Sách Yob, đoạn 19, câu 21).

Trên đây chính là lời cầu cứu động lòng nhất mà các linh hồn cô đơn nơi lửa luyện ngục đang khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy biết cầu nguyện cho các linh hồn ấy!

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta hầu như không còn mấy tin vào nơi luyện ngục và có những ý tưởng rất mơ hồ về luyện ngục, để rồi chúng ta làm ngơ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Chúng ta cứ để cho ngày tháng cứ trôi qua mà chúng ta không hề biết xin lễ cho các linh hồn! Cũng rất ít khi mà chúng ta cùng đi dự thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn, cũng như rất ít khi chúng ta cầu nguyện hay nghĩ về họ, những người đã chết!

Một câu chuyện kể rằng: có một anh sinh viên người Trung Hoa sang du học tại Hoa Kỳ, trong thời gian theo học ở đây, anh ta đã yêu một người bản xứ, tình yêu rất chân thành và hai người rất hạnh phúc, nhưng có một vấn đề xảy ra cho đôi trẻ này, đó là sự khác biệt tôn giáo, cha mẹ anh chỉ có một mình anh, muốn anh nối dõi tông đường, không chỉ lo giúp đỡ ông bà cha mẹ lúc sinh thời mà còn phải lo hương khói khi ông bà cha mẹ qua bên kia thế giới nữa, và gia đình anh sinh viên đã tìm cách ngăn trở cuộc hôn nhân này. Vào một ngày đầu tháng 11, người cha đã từ Trung Hoa bay qua Hoa Kỳ thăm con và tìm cách ngăn cản tình cảm của con mình. Người bạn gái thì vừa lo vừa sợ cho số phận tình duyên của mình bị trở ngại về phong tục và tôn giáo. Nhân ngày Lễ Các Linh Hồn, cô mời hai cha con người bạn trai cùng đi dự lễ, đi lễ về người cha đã thay đổi thái độ, bởi vì ông không ngờ rằng, người công giáo cũng có những nghi thức, những thánh lễ đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, vậy thì ông không phải lo sợ bị con ông lãng quên ông nữa.

Thưa quý ông bà và anh chị em, qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy, một người chưa tin vào Chúa, chưa nhận được ơn trở lại, nhưng vẫn tin vào sự sống đời sau, còn chúng ta, những người đã được làm con Chúa, làm con Hội Thánh chẳng lẽ chúng ta lại không tin sao ?

Các linh hồn nơi luyện ngục không còn cơ hội lập công đền tội cho mình được nữa. Bởi vậy nhờ vào luật liên đới "Các Thánh cùng thông công" Thiên Chúa cho phép chúng ta là những người còn sống, lập công thay mà giúp đỡ các linh hồn nơi Luyện ngục, nhất là những linh hồn mồ côi.

Trong tháng này, tháng dành riêng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, chúng ta cũng cần làm những việc phúc đức, những hy sinh hằng ngày, những ý lễ, những tràng kinh Mân Côi, như là những món quà thăm nuôi, để mong giúp các linh hồn, những người đang phải bị phạt vì tội lỗi, trong đó có bà con thân thuộc của chúng ta, chúng ta đã mắc nợ những người này, và nay có bổn phận phải trả.

Ngày 1/11 cũng là ngày ghi dấu một khúc quanh của lịch sử Việt Nam.

Trong cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Cộng Hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, họ đã giết đi chết TT Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là cố vấn Ngô Đình Nhu, sau này giết luôn người em nữa là Ngô Đình Cẩn. Cuộc cách mạng tuy thành công trong nhất thời, nhưng hậu quả của nó quá tệ hại, quá thê thảm và cuối cùng là mất luôn Miền Nam.

Ngày 2/11 là ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Việt Nam Cộng Hòa, xin mọi người hãy dành một phút để tưởng nhớ đến những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân, những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến, trong lao tù cộng sản hay trên bước đường đi tìm tự do, những nhà đấu tranh đã và đang tranh đấu cho một Việt Nam Tự do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Từ vực sâu u tối
Con cầu xin Chúa, Chúa ôi
Từ vực sâu thương đau
Con đợi trong Chúa nhậm lời.
Phan Hoàng Phú Quý

  

Tháng 11: Cầu cho các Linh Hồn

Thứ hai - 05/11/2012 20:59
Cầu nguyện cho các Linh hồn là tình yêu thương tha nhân tuyệt đối.
Tháng 11: Cầu cho các Linh Hồn
Tháng 11: Cầu cho các Linh Hồn

Có lẽ chưa khi nào mà sự vô cảm của con người đến độ báo động như hôm nay, báo chí đã tốn không ít giấy mực đề cập đến vấn đề này. Trong bài “Nạn cướp giật và sự vô cảm” đăng trên báo SGGP Online ngày 19.07.2012, tác giả Trần Trọng Trung (Đồng Tháp) kể câu chuyện như sau:

Sáng sớm 15-7-2012, tôi cùng vợ từ Đồng Tháp đến TPHCM để nhận một chiếc xe lăn - do ông Nguyễn Vinh Hạnh ở phường 15, quận Phú Nhuận hỗ trợ - cho một người bị bệnh tật nghèo khổ quê ở Đồng Tháp. Vợ chồng tôi đi xe gắn máy trên đường Kinh Dương Vương, vừa qua khỏi bến xe miền Tây hơn 500m thì bị một tên cướp giật phăng sợi dây chuyền (5 chỉ vàng 18k) của vợ tôi và chạy xe với tốc độ cao, lạng lách qua dòng xe cộ đông đúc. Lúc này, vợ và tôi hô lớn: “Cướp, cướp giật…”. Nhưng, mọi người đang lưu thông trên đường vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Đường phố rất đông người, xe cộ như mắc cửi nên tôi không dám đuổi theo, sợ gây tai nạn. Đến cơ quan Báo Sài Gòn Giải Phóng tìm người quen, tôi gặp hai anh bảo vệ và một tài xế của tòa soạn. Kể lại sự việc, các anh này vừa thông cảm vừa khuyên vợ chồng đừng nên đuổi theo, e tên cướp có đồng bọn sẽ “tiền mất lại tật mang”! Sau đó, đến nơi nhận xe lăn, tôi cũng kể lại chuyện mới bị cướp, đã la lên, nhưng không một ai tiếp cứu truy bắt tên cướp. Ông Hạnh cũng tỏ thái độ cảm thông và kể con trai ông mới đây cũng bị giật dây chuyền khi vừa quẹo vào hẻm 58/14 đường Huỳnh Văn Bánh để vào nhà, cháu kêu cứu, nhưng mọi người cứ “bình chân như vại”.

Đọc xong bài báo thấy buồn mấy người đi đường hôm đó, sao họ lại không đuổi theo tên cướp nhỉ? Phải chăng tiếng kêu của người bị nạn quá nhỏ nên những người đi đường không nghe thấy? Hay do những người đi đường đang vội vã với công việc mưu sinh hằng ngày nên không thể đuổi bắt tên cướp được? Buồn thật! Con người có thể nghe người khác khen ngợi, chỉ cách làm ăn bằng những tiếng thì thầm, thậm chí chỉ bằng ánh mắt là có thể hiểu ý nhau rồi, vậy mà tiếng la “Cướp, cướp giật…” của nạn nhân lại chẳng ai nghe thấy. Con người có thể nghỉ làm để đi chơi với bạn bè nhưng lại không dám cứu người bị nạn vì sợ đi làm trễ. Thế đấy, sự vô cảm làm cho cái ác cứ tiếp tục tái diễn và con người sống cho riêng mình nhiều hơn, quên mất tính cách cộng đồng, tính yêu thương đồng loại.

Ngẫm chuyện đời lại nghĩ đến ta, thời gian qua ta cũng sống vô cảm với những tiếng kêu cứu của các Linh hồn trong luyện ngục, dù biết rằng những Linh hồn ấy đang chờ đợi sự giúp đỡ của mình. Nói vậy nhiều khi ta lại nghĩ rằng: Lo cho người sống chưa xong còn thì giờ đâu để nghĩ tới người chết. Thế nhưng, trong niềm tin Kitô giáo, chết chưa phải là hết mà chỉ bước qua một cuộc sống siêu nhiên khác, nơi đó có Thiên đàng, có luyện ngục và có hỏa ngục. Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự nên tất cả những ai có lòng trong sạch ở đời này, đều được vui hưởng hạnh phúc với Ngài.“Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Hỏa ngục là nơi của quỷ dữ và satan nên sẽ có nhiều sự đau khổ khiến con người phải “khóc lóc nghiến răng”. Cuối cùng là luyện ngục, tự chữ “luyện” cũng cho ta thấy nơi đây để thanh tẩy những ai còn chút vết nhơ tội lỗi trước khi về Thiên đàng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Tin mừng Thánh Matthêu viết như sau: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!" (Mt 5, 20-26). Khoan nói đến chuyện giết người, khoan nói đến chuyện làm hòa, mà hãy chú ý câu cuối “Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!" Ai có thể trả nợ khi đang bị giam cầm nếu không nhờ vả đến người thân? Chỉ có người ở ngoài mới có thể giúp đỡ trả nợ cho người bị giam cầm mà thôi. Cũng vậy, các Linh hồn trong luyện ngục sao có thể làm gì cho mình để ra khỏi nơi đó nếu chúng ta không cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho các Linh hồn chính là tình yêu, là trách nhiệm và là sự công bằng theo lẽ đời.

Cầu nguyện cho các Linh hồn là tình yêu thương tha nhân tuyệt đối. Thật vậy, nếu ta thật lòng yêu thương họ khi còn sống thì làm sao có thể lãng quên khi họ đã qua đời. Bị mất một đồ vật mà ta ưa thích, ta sẽ rất buồn và tình cờ thấy người khác có đồ vật giống như vậy, nỗi buồn lại gợi về ta nguyên vẹn. Vậy thì con người được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời, lẽ nào ta lại không nhớ đến những người đã qua đời khi nhìn thấy người khác sống quanh ta, nếu quả thật ta là người sống có đức tin.

Cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục là trách nhiệm vì những linh hồn ấy có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị hay những người cùng huyết thống với ta. Bên cạnh đó, các Linh hồn ấy cũng có thể là thầy cô, bạn bè, ân nhân đã giúp đỡ ta hay đã cầu nguyện nhiều cho ta khi họ còn sống, biết đâu nhờ lời cầu nguyện của họ mà ta còn sống đến ngày hôm nay. Nếu ta là một người sống biết đền ơn đáp nghĩa, chắc chắn ta sẽ thấy trách nhiệm phải cầu nguyện cho các Linh hồn đã qua đời.

Cầu nguyện cho các Linh hồn trong luyện ngục còn là sự công bằng vì có thể các Linh hồn ấy là những người sống xunh quanh ta, do những việc làm chẳng tốt đẹp gì của ta nên cớ cho họ vấp phạm và do đó họ bị giam cầm trong luyện ngục. Bởi lẽ ấy ta phải cầu nguyện cho họ để đền thay những gì ta đã làm lỗi với họ khi họ còn sống.

Như vậy, nếu ta không cầu nguyện cho các Linh hồn trong luyện ngục vì tình yêu mến, thì hãy vì trách nhiệm của một người chịu ơn mà cầu nguyện cho họ. Còn nếu ta là người không có trách nhiệm, tự cho mình chẳng bao giờ chịu ơn ai, thì hãy cầu nguyện cho các Linh hồn trong luyện ngục vì lẽ công bằng, để bồi đền cho họ những gì do lỗi ta gây nên.

Cầu nguyện cho các Linh hồn trong luyện ngục là một điều cần thiết, một việc làm thường xuyên không chỉ trong tháng mười một này. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa gọi là đủ mà ta còn phải cầu nguyện cho các Linh hồn của những người đang còn sống xunh quanh mình. Thật vậy, trong lần thứ tư Đức Mẹ hiện ra tại Fatima vào ngày 19.08.1917 (vì ngày 13.08.1917 ba trẻ nhỏ bị ông thị trưởng giam lại để điều tra), Đức Mẹ nói rằng “Các con nên cầu nguyện cho kẻ có tội, nhiều Linh hồn phải sa hỏa ngục vì không ai cầu nguyện cho họ” (Trích Bí mật Fatima). Vâng, nếu ta đã vâng nghe ba mệnh lệnh Fatima của Đức Mẹ, ta sẽ thấy phải cầu nguyện cho cả những người có tội đang còn sống là cần thiết biết chừng nào. Một khi vì ta mải mê mọi sự mà quên đi cầu nguyện cho họ, khi họ đã sa hỏa ngục rồi thì lời cầu nguyện của ta còn ích chi nữa, ta sẽ vô cùng hối tiếc và ân hận vì sự việc đó hẳn là có chút nào phần lỗi của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đưa các Linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những Linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Vâng, Chúa ơi, xin cất đi sự vô cảm nơi lòng chúng con, xin mở tai tâm hồn để chúng con lắng nghe được tiếng kêu cứu của các Linh hồn trong luyện ngục, xin mở mắt chúng con để chúng con nhìn thấy những người xunh quanh đang sống trong lầm lạc mà cầu nguyện cho họ, để các Linh hồn trong luyện ngục được sớm về hưởng nhan thánh Chúa và bớt đi những Linh hồn phải xa lìa mặt Chúa đời đời. Amen.

Chúa nhật 04.11.2012


Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…
Bookmark and Share
Chúa Nhật XXXIII – TN – A Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam.
Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…
 Ngày 26/05/2014 vừa qua, toàn thể nước Mỹ kỷ niệm ngày chiến sĩ trận vong. Ngày lễ này được tổ chức với mục đích để ghi nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến, những quân nhân  đã hy sinh cho tổ quốc Hoa Kỳ.  Hôm đó, quốc kỳ Mỹ được để rủ cho đến trưa ngày thứ hai theo giờ địa phương. Nhiều người dân Mỹ  tới viếng thăm các nghĩa trang và các đài kỷ niệm. Tại các nghĩa trang trên toàn quốc, người thân, bạn bè của những quân nhân đã ngã xuống tới cắm cờ tưởng nhớ họ. 
“Tưởng nhớ” những người đã “ngã xuống” cho tổ quốc, vâng, đó là một việc phải làm. Khi nói tới tưởng nhớ, Chúa Nhật tuần này, ngày 16/11/2014, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng có một cuộc “tưởng nhớ”, đó là, tưởng nhớ những người đã “ngã xuống” cho niềm tin – “niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô”, và theo truyền thống, các vị này, chúng ta gọi họ là các Thánh Tử Đạo Việt Nam.  
“Tử Đạo là gì?” Thưa, là chấp nhận hy sinh, ngay cả tính mạng của mình, cho niềm tin mà mình đã tin theo.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tin vào Chúa Giêsu, đã trung thành theo Chúa Giêsu, đã sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì tuyên xưng niềm tin của mình.
Có rất nhiều hình phạt cho họ. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi giày, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết.  Án nhẹ nhất, đó là khắc lên trên trán hai chữ “tà đạo”...
Thật ra, trước những sự tàn bạo đó, không có gì đáng ngạc nhiên, bởi những chuyện này đã được Đức Giêsu tiên báo: “Anh em hãy coi chừng… người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24,4-…9).
Xưa, trong một lần lên Giêrusalem, khi loan báo về cái chết của Người, một cái chết để cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu đã phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Và ngày nay, các thánh tử đạo Việt Nam đã vâng theo lời truyền dạy của Thầy Giê-su, sẵn sàng “chết đi”. Chết đi để trở thành những ““Martyr”, những Martyr của niềm tin và tình yêu thương.
Như Roma vào những thế kỷ đầu, với ba trăm năm bách hại, Việt Nam vào những thế kỷ sau cũng lãnh chịu ba trăm năm, trải qua sáu triều đại: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Có rất nhiều “Martyr” ở khắp nơi trên thế giới, với những Martyr Việt Nam, cũng vào khoảng hàng trăm  ngàn người, trong số đó, có 118 vị chính thức được tôn phong. 
Được tôn phong là bởi các ngài đã hy sinh bản thân mình, sống đúng như lời Thầy Giê-su giảng dạy, rằng “không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
“Hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Vâng, đơn cử đó là tấm gương của ba người: linh mục Gioan Đạt – thừa sai Gagelin Kính và linh mục Đặng Đình Viên. 
Với linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: "Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều".
Với thừa sai Gagelin Kính, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an.
Còn với  linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (*)
Qua những chứng từ trên, có thể nói rằng, các thánh tử đạo Việt Nam đã để lại cho chúng ta những tấm gương mẫu mực về một đời sống đức tin và sự trung tín.
Vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay toàn thể Giáo Hội kính cẩn tưởng nhớ đến các ngài, tưởng nhớ không bằng cách “để cờ rủ”, nhưng là đồng thanh cất lên tiếng ca “Dâng về Thiên Chúa”, những người con ưu tú của Giáo Hội, là những người đã “anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu”. (**)

**
Lịch sử Ki-tô giáo đã hơn hai ngàn năm có lẻ. và cũng như xưa, ngày nay, đâu đó vẫn còn không ít người Ki-tô hữu, chỉ vì trung thành với niềm tin vào Chúa, họ đã phải chịu tử vì đạo. 
Thì đây, tại Trung Đông, nhóm phiến quân IS quá khích, đi tới đâu, họ đã và đang ép buộc, cưỡng bức, thậm chí giết hại những người Công Giáo, cũng như các giáo phái  khác tại Syri, Irak. Họ buộc các tín hữu Ki-tô giáo bỏ đạo. Họ bắt tất cả những người dưới quyền kiểm soát của họ theo đạo Hồi (thuộc nhóm quá khích), nếu không tuân lệnh, những người đó phải rời bỏ quê hương, hoặc sẽ bị giết một cách dã man. 
Theo tin tức được lưu truyền trên mạng lưới điện báo, một  bé gái Công Giáo mới 2 tuổi đã bị phiếm quân ISIS chặt đầu trước mặt bà mẹ và những người thân của cháu. Cuộc thảm sát đó được thực hiện gần bên cạnh một thánh đường. Hôm đó, nhiều người Kitô hữu buộc phải đổi sang Hồi giáo, nếu không, họ sẽ cùng chung số phận như em bé gái. 
Sự bách hại vẫn còn xảy ra, cho đến ngày tận thế.  Đừng quên, Đức Giêsu đã chẳng nói rằng: “Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31).
Có thể chúng ta không phải chịu cảnh “máu đổ đầu rơi”. Nhưng chắc chắn chúng ta vẫn bị Sa-tan, cũng như con cái của nó,  “sàng sảy” cách này cách khác.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, hôm nay, cái mà Sa-tan luôn đem ra “sàng sảy” chúng ta, đó  là cái gì? Phải chăng, đó chính là sự trung tín? Phải chăng, đó là sự trung thành với với nhiệm vụ đã được giao, với những lời thề hứa?
Đúng vậy, ngày nay, sự trung tín như thể là một món quà quý hiếm. Sự trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa như thể biến mất khỏi thế gian.
Hằng ngày, không biết bao nhiêu lần, chính người thân yêu ta hại ta, chính người đồng nghiệp ta hại ta, bởi, chỉ vì họ bất trung, bất tín, bởi, chỉ vì họ không trung  thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa.
Mỗi ngày, chúng ta nghe không biết bao nhiêu vụ “ly dị”. Những hành động phụ bạc xảy ra chóng mặt khiến chúng ta không thể không nhớ đến lời ngôn sứ Mi-kha: “Kẻ hiếu trung đã biệt dạng khỏi xứ, không còn người lương thiện chốn dương gian. Tất cả đều đợi dịp gây đổ máu, người này đặt lưới dò hãm hại người kia” (Mk 7,2).
Thế nên, tử đạo, với chúng ta hôm nay, không  phải  tử đạo giống như người xưa, nào là bị  chém đầu, phân thây, tùng xẻo v.v… nhưng là tử đạo trong cuộc sống thường ngày,  bằng một đời sống trung tín, bằng một đời sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa.

***
Hôm nay, chúng ta cảm nghiệm gì khi tưởng nhớ đến các thánh tử đạo Việt Nam?
Nên chăng, hãy cảm nghiệm rằng, là một Ki-tô hữu, như người đầy tớ được chủ gọi đến “giao phó của cải của mình” trước khi sắp đi xa. (x Mt 25,14-30), chúng ta cũng được”ông chủ Giê-su” giao phó những gì Ngài đã và đang giao phó.
Vâng, hôm nay, có thể ông chủ Giê-su  sẽ giao phó cho ta “năm yến, hai yến, hoặc một yến”.
Có thể ông chủ Giê-su giao phó cho ta chức vụ Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ. Ta nhận hay ta từ chối? Nếu nhận, ta có sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa, hứa “sống độc thân vì Nước Trời”? Hay ta lại “tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau” chiêm ngắm một mỹ nhân nào đó, để rồi trong một phút yếu lòng, ta rơi vào thảm cảnh “hồn lỡ sa vào đôi mắt em” đầy hối tiếc!
Có thể ông chủ Giê-su giao phó cho ta thiên chức làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Ta nhận hay ta từ chối? Về chuyện này, đương nhiên là nhận, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phải không thưa quý vị!
Vâng, nếu nhận,  ta có sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa, “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”? Hay chỉ vì một chút “đời buồn vui” ta lại cất tiếng ca “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”?
Có thể ông chủ Giê-su trao cho ta nhiệm vụ là một bác sĩ, là một lương y. Ta nhận hay ta từ chối? Nếu nhận, ta có sống trung thành với lời thề , lời thề Hypocrate: “…Người yếu đau, bệnh tật
phải cứu chữa tận tình, không tư lợi cho mình, luôn đề cao y đức…”? Hay chỉ vì “…những đồng tiền quái đản, đã quật ngã được anh… anh tặc lưỡi làm liều – phong bì đưa bao nhiêu, anh vẫn còn thấy ít!”, để rồi “anh ngoảnh mặt làm ngơ, trước nỗi đau người bệnh”? (***)
Còn… còn rất nhiều nhiệm vụ (yến bạc), ông chủ Giê-su sẽ giao phó cho chúng ta. Vấn đề của chúng ta, đó là,  khi  “ông chủ (Giê-su) đến tính sổ và thanh toán sổ sách”, chúng ta có thể chứng minh rằng, “tôi đã gây lời được năm nén, hai nén”, nói rõ hơn, rằng “tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” mà ông chủ đã giao phó hay không?  
Hay chúng ta lại than thở rằng “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vay. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn yến bạc của ông dưới đất” rồi!
Vâng, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, bao năm qua, là một Ki-tô hữu, là người “đầy tớ của Đức Giê-su”, với những gì Ngài đã giao phó cho tôi, tôi có làm cho “sinh lời” hay tôi đã đem “chôn” dưới đất?
Đem chôn ư! Ôi! ta không sợ ông chủ Giê-su sẽ gọi ta là “tên đầy tớ vô dụng” sao? Ta không sợ bị “quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” sao?
Các thánh tử đạo Việt Nam, có phần chắc, các ngài đã không “đem chôn những yến bạc” mà ông chủ Giê-su đã giao phó. Các ngài đã sinh lời, việc sinh lời đó được minh chứng qua sự trung tín và lòng trung thành trong  đức tin của các ngài, nó được đóng ấn bằng chính việc tử vì đạo của các ngài.

****
Trở lại sự kiện ngày lễ chiến sĩ trận vong. Vâng, ngoài việc tưởng niệm, nó còn là ngày bắt đầu cho mùa nghỉ hè tại Hoa Kỳ. Và theo truyền thống, đây là ngày có những mặt hàng “sale” đặc biệt. Và tất nhiên, người dân nói chung, không bỏ qua cơ hội này để mua sắm, một sự mua sắm rất hữu ích cho những ngày nghỉ hè, những buổi picnic hay những buổi họp mặt thân hữu.
Thế còn  ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam của chúng ta thì sao? Ngoài việc tưởng niệm, chúng ta nên chăng, coi lại xem hành trang đến gặp ông chủ Giê-su “thanh toán sổ sách” còn thiếu những gì để mà mua sắm?
Vâng, hãy xem lại hành trang của  chúng ta, đã có món quà “đức tin”, tin vào ông chủ Giê-su, rằng,  Người không phải là một “người hà khắc”? Hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có món quà “trông cậy”, trông cậy vào ông chủ Giê-su, rằng Người là Đấng giải thoát ta khỏi những “thủ hạ của Sa-tan được sai đến vả mặt (ta)”? Hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có món quà “đức mến”, một nhân đức giúp ta thi thố nhiệm vụ ông chủ Giê-su giao phó một cách ngoạn mục?
Nếu chúng ta còn thiếu những “món hàng nhân đức” nêu trên, hãy đến gian hàng mang tên Giê-su mà mua sắm. Không cần tiền bạc, chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn nguyện cầu như thánh Phao-lô đã nguyện cầu rằng: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nổi khổ này”, sau ba lần nguyện cầu, thánh nhân xác định, rằng: Đức Giê-su “Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2Cr 12, 7-9).
Với ơn của Chúa, ơn có đức tin, đức cậy và đức mến, đó chính là giáp sắt, là khiên mộc để chúng ta, như lời thánh Phao-lô khẳng định, rằng: “nhờ đó, (chúng ta) sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 5,16).
Một khi “mọi tên lửa của ác thần bị dập tắt”, hãy tin,  sẽ chẳng còn trở ngại  nào ngăn cản chúng ta “sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”.
“Sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”, đó chính là cách tốt nhất cho cuộc sống “tử vì đạo” hôm nay.
Thưa Bạn… Bạn và tôi, chúng ta hãy nhìn lại chính mình mà tự hỏi,  tôi có noi  gương các thánh tử đạo Việt Nam, “sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”?
Đừng quên, lối sống này, chính là lối sống đã được ông chủ Giê-su khen tặng, rằng  “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (x. Mt 25,22).

Petrus.tran 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét