Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

PHÚC ÂM: Mc 9, 37-39

Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Tư Tuần VII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gc 4, 13b-18 (Hl 13-17)
"Đời sống anh em là cái gì? Lẽ ra anh em phải nói rằng: 'Nếu Chúa muốn'".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, bây giờ anh em nói: "Hôm nay hoặc ngày mai chúng tôi sẽ đến một thành nọ, rồi ở lại đó một năm mà buôn bán kiếm lời". Nhưng anh em đâu có biết ngày mai sẽ ra sao. Bởi vì đời sống anh em là cái gì? Là một chút hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi biến đi. Lẽ ra anh em phải nói rằng: "Nếu Chúa muốn, và nếu chúng tôi còn sống, chúng tôi sẽ làm điều này điều kia". Nhưng này đây, anh em huênh hoang với những lời khoác loác. Mọi kiểu, huênh hoang như thế đều xấu xa. Vậy ai biết điều lành mà không làm, thì mắc tội.                   Đó là lời Chúa.
Đáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3).
1) Hỡi các dân, xin nghe lấy chuyện này; xin hãy lắng tai, hết thảy những ai cư ngụ địa cầu, người phận nhỏ cũng như người quyền thế, kẻ giàu sang cũng như kẻ cơ bần! - Đáp.
2) Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn? - Đáp.
3) Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền chuộc mạng. Giá chuộc mạng quá đắt, không bao giờ người ta có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết. - Đáp.
4) Bởi lẽ người ta thấy cái chết cả những người khôn, kẻ dại kẻ ngu cũng đều phải chết, để lại cho người khác tài sản của mình. - Đáp.
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 9, 37-39 (Hl 38-40)
"Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
BÀI HỌC LÒNG KHOAN DUNG
Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)
Suy niệm: Để bảo vệ quyền lợi của mình, người làm ra sản phẩm thường đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trước cơ quan pháp luật, nhờ đó sản phẩm của mình được độc quyền sản xuất; mọi hình thức sao chép, làm hàng nhái, hàng giả đều bị cấm. Trong một xã hội công bằng, văn minh, đó là yêu cầu chính đáng. Tông đồ Gio-an cũng đòi độc quyền thương hiệu làm phép lạ cho Thầy Giê-su nên đã ngăn chặn một người nhân danh Thầy để trừ quỷ chỉ vì người ấy không phải là một trong số môn đệ của Chúa. Nhưng Chúa Giê-su tuyên bố tác quyền thiêng liêng của Ngài vẫn được bảo vệ mà không cần cấm đoán bởi vì không ai có thể nhân danh Ngài làm phép lạ mà đồng thời lại là thù địch của Ngài.
Mời Bạn: Thương hiệu của Chúa là lòng khoan dung, những ai thiện chí đều được đón nhận vì mọi điều tốt đẹp đều bởi Thiên Chúa, cho dù trước mắt, họ chưa thuộc về cùng một cơ chế hữu hình: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Không ai độc quyền hưởng ơn cứu độ. Chân lý rộng lớn con người đều có thể lĩnh hội được. Căn bản của lòng khoan dung là việc nhận thức được tầm mức rộng lớn của chân lý để đón nhận cho dù chân lý đó từ đâu mà đến. Thiếu khoan dung là dấu chỉ cho thấy sự hẹp hòi và cao ngạo của mình.
Sống Lời Chúa: Sống khoan dung bằng cách lắng nghe những lời phê bình mình và đón nhận những sáng kiến khác với suy nghĩ của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống “hiền hậu và khiêm nhường” như lời Chúa dạy (Mt 12,29) và xin Chúa giúp con biết nhìn tha nhân bằng cặp mắt bao dung của Chúa.
18 THÁNG NĂM
Chúng Ta Không Bị Bỏ Mồ Côi
“Thầy sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác – để ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật…” (Ga 14, 16 – 17). “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em” (Ga 14, 18).
Đức Giêsu nói những lời này để chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận cuộc ra đi của Người khi sứ mạng mê-si-a của Người trên dương thế gần đến hồi kết thúc. “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em”, khi nói những lời ấy, Đức Giêsu muốn nói về những ngày sau phục sinh – tức 40 ngày mà Người sẽ tiếp tục trải qua với các môn đệ. Những lời đó, đồng thời, cũng nhằm hướng chỉ đến Chúa Thánh Thần.
Đức Kitô Phục Sinh không để các môn đệ Người “mồ côi”. Người không để Giáo Hội “mồ côi”. Thật vậy, Người trao cho chúng ta Thánh Thần.
Lời suy niệm“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
Với cách nhìn, suy nghĩ và hành động của Gioan trước những con người lấy danh Nghĩa Thầy mình mà trừ quỷ   . Ngày hôm nay cũng đang có những người tín hữu tự đóng khung mình lại trong những hiểu biết hạn hẹp của mình. Không cảm nghiệm được sự tác động của Chúa Thánh Thần trên mọi lãnh vực con người và thiên nhiên. Lời Chúa Giêsu đang đánh thức chúng ta: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả vậy, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con có đức tính khiêm nhường, và biết tôn trọng sự thật, biết cọng tác với những người bảo vệ sự thật có trách nhiệm trước mặt Chúa.
Mạnh Phương
18 Tháng Năm
Cánh Diều
Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:
Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.
Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: "Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi". Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa tước nguyện như sau: "Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng".
Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: "Ít ra mình cũng làm cho người vui".
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.
Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.
Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.
Một tác giả nào đó đã nói: "Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng". Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.
Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.
Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bàgóa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người.
Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.
(Lẽ Sống)
Con người dệt nhiều mộng ước cho cuộc đời mình; nhưng rất ít khi thành tựu. Đa số những gì con người không nghĩ tới, chúng lại xảy ra. Khi cha mẹ mới có con, họ dệt bao nhiêu mộng ước cho cuộc đời của con; nhưng rất ít khi con họ đạt được điều mộng ước mà họ muốn.
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhìn ra một chân lý căn bản: cuộc đời chúng ta được điều khiển bởi Thiên Chúa, và chúng ta phải bước đi trong đường lối của Ngài. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu đừng kiêu căng, hống hách, phác họa chuyện làm giàu, vì họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Thay vào đó, họ phải khiêm nhường tùy thuộc cuộc đời của họ nơi Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho họ và điều khiển cuộc đời của họ. Trong Phúc Âm, tông-đồ Gioan khó chịu và ngăn cấm một người trừ quỉ, vì người đó không thuộc hàng ngũ các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài khiển trách Gioan và giải thích lý do nếu một người trừ được quỉ, người đó phải có niềm tin nơi Thiên Chúa.
1/ Bài đọc I: Cuộc đời con người tùy thuộc nơi Thiên Chúa.
1.1/ Đừng tự phụ trước Thiên Chúa: Mộng ước làm giàu là mộng ước rất phổ thông của con người. Có những học sinh chưa tốt nghiệp đã ngồi tính toán một năm làm được bao nhiêu tiền nếu tốt nghiệp kỹ sư hay bác sĩ; nhưng với nền kinh tế hiện đại, nếu họ không tìm được việc làm khi ra trường cũng chẳng ai ngạc nhiên! Có những nhà nông chưa gieo đã ngồi tính số lượng mùa màng thu được để làm kho chứa; nhưng nếu Trời không cho mưa, làm sao có mủa gặt. Hay những thương gia trong trình thuật hôm nay dệt mộng: "Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời."
Chúng ta không biết cuộc đời mình sẽ ra sao, vì chúng ta lệ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Trước tiên, sự sống của chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa, Ngài có thể cất sự sống của chúng ta bất cứ lúc nào. Thánh Giacôbê so sánh mạng sống con người với hơi nước: “Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi.” Hay nhiều người so sánh cuộc đời con người với bông hoa, sáng mai nở ra thật đẹp, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. Thứ đến, nơi mà chúng ta muốn tới. Có chắc chắn là chúng ta có tới được nơi mà chúng ta mong muốn hay không? Nhiều lý do ngăn cản cuộc hành trình của chúng ta: bệnh tật, tai nạn trên đường... Sau cùng, buôn bán cũng lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố: khách hàng, món hàng, thời thế. Có phải ai buôn bán cũng thành công đâu? Có phải ai đem tiền đầu tư cũng kiếm lời? Nhiều người tưng bừng khai trương rồi lại âm thầm đóng cửa! Biết bao nhiêu người đầu tư số vốn đã dành dụm lâu năm vào thị trường chứng khoán, vào cơn lốc nhà cửa với hy vọng sẽ về hưu sớm và dư giả, để rồi phải đau đớn nhìn số tiền dành dụm không cánh mà bay, để rồi lại phải cong lưng gầy dựng lại đến hết cuộc đời.
1.2/ Hãy khiêm nhường phó dâng cuộc đời cho sự quan phòng của Thiên Chúa: Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu nên nói: "Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia." Trước tiên, phải xem mình có sống lâu để làm việc đó không đã. Nếu Thiên Chúa cho phép hay để chúng ta sống, chúng ta mới được sống; nếu Thiên Chúa cất sự sống ra khỏi chúng ta, không ai có thể cưỡng lại được, dù chỉ một giây. Thứ đến, phải xét xem điều chúng ta dự định có phù hợp với thánh ý Thiên Chúa hay không. Nếu đó là thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta mới được phép làm; nếu không phải là thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta có cố gắng hết sức cũng chẳng thành công.
Vì thế, con người phải tránh thói phô trương, khoác lác trước Thiên Chúa. Trong Cựu Ước có một biến cố xảy ra làm kinh nghiệm cho con người, đó là tháp Babel. Con người muốn xây một chiếc tháp đụng tới trời để xem có Thiên Chúa hay không; nhưng khi mới bắt đầu, Thiên Chúa để cho bất đồng ngôn ngữ xảy ra. Họ không hiểu tiếng nói của nhau để quyết định chung nữa, thế là đường ai nấy đi. Cha ông chúng ta đã thấu hiểu điều này và khuyên con cháu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Chúng ta cứ việc dệt mộng và thi hành mộng đẹp; nhưng phải xét xem điều đó có đẹp ý Thiên Chúa hay không. Nếu biết điều đó không đẹp ý Thiên Chúa mà vẫn làm, chúng ta chẳng những nắm phần chiến bại, mà còn phạm tội chống lại ý Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Cần có tâm hồn rộng lượng bao dung
Một hôm, ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." Sở dĩ, môn đệ Gioan nói những lời này, vì ông muốn đặc quyền trừ quỉ chỉ giới hạn trong thành phần môn đệ của Chúa Giêsu; vì nếu bất cứ ai cũng trừ quỉ được, nhóm môn đệ của Chúa Giêsu sẽ không còn gì đặc biệt nữa.
2.1/ Cần loại trừ tính phe đảng, độc tài: Đức Giêsu bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta." Nguyên lý Chúa đưa ra là một người không thể mâu thuẫn với chính mình: hoặc có hoặc không, chứ không thể chọn cả hai một lượt. Để một người trừ được quỉ, họ phải có một đức tin vững mạnh nơi Chúa Giêsu, và phải nhân danh Ngài mà nói, thì mới trừ được. Nếu một người không có đức tin, và không nhân danh Chúa, họ không bao giờ họ có thể trừ được quỉ. Đức tin có được hay mất đi là phải có thời gian lâu dài; chứ không thể một sớm một chiều là có hay mất được. Vì thế, khi họ trừ được quỉ là họ đã có đức tin vào Thiên Chúa, tại sao cần phải ngăn cấm họ!
Hơn nữa, mục đích của Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ là để huấn luyện các ông loan truyền Tin Mừng, chứ không chú trọng đến danh nghĩa và quyền lợi của cá nhân hay của nhóm. Ngài ban cho các ông quyền trừ quỉ để khơi dậy niềm tin, chứ không phải là đặc quyền để bảo vệ. Tính phe đảng nhiều khi làm con người không còn biết chú trọng đến mục đích, nhưng chú trọng đến tiếng tăm, quyền lợi, và dễ dàng khai trừ người khác.
2.2/ Con người có tự do để chấp nhận sự thật: Chúng ta cần biết rộng lượng để chấp nhận tự do Thiên Chúa ban cho con người. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày sự thật để thuyết phục con người tin vào Ngài, đồng thời kèm theo những phép lạ; nhưng nếu họ cứng lòng, Chúa Giêsu không bắt họ phải tin vào Ngài. Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng chỉ có thể trình bày sự thật, hay phân tích cái lợi và cái hại của việc không sống theo sự thật, rồi để tha nhân có quyết định muốn theo hay không. Chúng ta không thể bắt người khác làm theo ý mình hay thay đổi người khác được.
Trên con đường tìm kiếm sự thật, có nhiều cách để dẫn con người đến sự thật và khơi dậy niềm tin của con người vào Thiên Chúa; chứ không phải chỉ có một cách. Hãy để Thiên Chúa làm việc trong tha nhân và cho họ có thời gian để nhận ra sự thật. Cần tránh thái độ võ đoán: chỉ có cách của chúng ta mới làm cho con người nhận ra sự thật hay mới được cứu độ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Đừng kiêu căng, phách lối, và hành động theo ý mình để rồi phải lãnh chịu những thiệt hại.
- Chúng ta có được điều tốt nào cũng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho. Chúng ta đừng tự mãn vì quà tặng, nhưng phải biết dùng nó để sinh lợi ích cho Thiên Chúa và cho tha nhân.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét